Chỉ tính từ 20/10 đến 20/11/2012, cả nước đã có khoảng 5.870 doanh
nghiệp dừng hoạt động và giải thể, tăng 6,6% so với tháng trước. Trong
khi đó con số doanh nghiệp thành lập là 5.800 doanh nghiệp, với số
vốn đăng ký trên 25,5 nghìn tỷ đồng.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tính đến 20/11/2012, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 15,33% so với tháng 12/2011. Trong khi tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 15,98% thì dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác) ước tăng 4,15% so cuối năm 2011.
Gần 6.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong vòng 1 tháng qua. Ảnh Internet. |
Với mức tăng trưởng tín dụng trên chỉ bằng khoảng 1/3 so với mục tiêu mà chính phủ đặt ra hồi đầu năm là 12-15%. Điều này phản ánh sự khó khăn trong trung chuyển vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước. Thống kê đến 15/11/2012, tổng thu NSNN mới chỉ đạt 80,1% dự toán với 593,42 nghìn tỷ đồng (kết quả đạt được cùng kỳ năm 2011 là 98,5%; 2010 là 98,7%). Trong đó, so dự toán, thu nội địa chỉ ở mức 76,9%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ 69,9% (thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm).
Để giải quyết khó khăn về thu ngân sách, Chính phủ chỉ đạo cần rà soát các khoản thu, tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước; quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hạn chế bổ sung nhiệm vụ chi ngoài kế hoạch. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra bảo đảm hiệu quả trong đầu tư công.
Quang Toàn