Lễ trao giải Lương thực Thế giới (World Food Prize) năm 2014, đã diễn ra tại Mỹ vào ngày 16/10/ 2014, với khoảng 800 người tham dự, đến từ 60 quốc gia trên thế giới. Giải thưởng do Tiến sỹ Norman Borlaug, người từng đoạt giải Nobel và là cha đẻ của cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp, sáng lập ra.
Giải Lương thực Thế giới được tổ chức thường niên, là giải thưởng quốc tế danh giá nhất của ngành nông nghiệp, nhằm tôn vinh những cá nhân có những đóng góp và thành tựu nổi bật đối với tiến trình phát triển của con người bằng việc việc cải thiện và nâng cao sản lượng, chất lượng và tính khả dụng của nguồn thực phẩm nuôi sống cả thế giới; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, hoặc quan điểm chính trị.
Những đóng góp được ghi nhận có thể thuộc bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến việc cải thiện nguồn cung cấp lương thực thế giới bao gồm phát triển khoa học công nghệ trong ngành thực phẩm và nông nghiệp, cải tiến phương thức sản xuất, tiếp thị, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao giá trị ngành kinh tế, giảm thiểu đói nghèo…
Lễ trao giải năm nay vinh danh Tiến sỹ Sanjaya Rajaram, cho công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng của ông trong việc làm gia tăng sản lượng lúa mỳ thế giới với sản lượng tăng thêm 200 triệu tấn. Ông là người đã lai tạo và phát triển thành công 480 giống lúa mỳ đang được canh tác tại 51 quốc gia trên toàn cầu và được ứng dụng rộng rãi bởi nông dân trên toàn thế giới, kể cả các nông hộ nhỏ và các các nông trại quy mô lớn.
Phát biểu tại lễ trao giải, Tiến sỹ Rajaram chia sẻ: "Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi Giải thưởng Lương thực Thế giới năm nay được trao cho tôi, và không chỉ tôi, trao đến hàng trăm và hàng ngàn nhà nghiên cứu lúa mì và nông dân trên toàn thế giới. Tôi tin rằng chúng ta đã giải quyết được rất nhiều những thách thức của nông nghiệp thế kỷ 21 và sản xuất lương thực so với quá khứ và tiếp tục sẽ có thể giải quyết được những vấn đề của tương lai nếu chúng ta truyền đạt kiến thức mới và cung cấp các hệ thống sản xuất nông nghiệp tiên tiến đến với người nông dân theo hướng bền vững. Sản xuất nông nghiệp trong tương lai sẽ gần như chắc chắn bị thuyên giảm nếu chúng ta không tính đến và giải quyết các yếu tố về liên quan đến biến đổi khí hậu, độ màu mỡ của đất canh tác, tình trạng thiếu nước, và ứng dụng công nghệ gen tiên tiến trong vòng 20-30 năm tới. Việc này đòi hỏi nguồn lực cộng hợp từ các trung tâm nghiên cứu quốc tế, chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm nông dân với nhau để cùng nhau phát triển công nghệ mới nông nghiệp và sản xuất lương thực.”
Tiến sỹ Sanjaya Rajaram, sinh ra ở Ấn Độ và hiện là công dân Mexico. Ông là một nhà thực vật học xuất sắc với nhiều công trình nhân giống và nghiên cứu khoa học đột phá và nổi bật. Những đóng góp của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng và có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm bổ dưỡng hơn trên toàn cầu và góp phần giảm thiểu đói nghèo trên thế giới.
Trong khuôn khổ Lễ Trao giải Lương thực thế giới, hàng loạt các sự kiện và hội nghị chuyên đề quốc tế trong chuỗi hoạt động Đối thoại Borlaug được tổ chức. Chủ đề những thảo luận của lễ trao giải năm nay là “The Greatest Challenge in Human History - Can we sustainably feed the 9 billion people on our planet by the year 2050?” (Thách thức lớn nhất của lịch sử loài người – Liệu chúng ta có thể nuôi sống 9 tỷ người trên thế giới vào năm 2050 một cách bền vững?). Mục tiêu của Đối thoại Borlaug năm nay là nhấn mạnh đến quyền hạn của việc tăng cường, đổi mới và tạo thêm nguồn cảm hứng cho các hộ nông dân trong hoạt động canh tác nông nghiệp, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn thực phẩm bổ dưỡng trên thế giới.
Vai trò quan trọng của canh tác kiểu nông hộ đã được đặc biệt nhấn mạnh và chủ đề thảo luận chính nhân kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới (16/10). Humanitas Global đã phối hợp với FAO và tổ chức Food Tank thực hiện một cuộc khảo sát với gần 75 hộ nông dân ở Bắc Mỹ. Kết quả khảo sát này được công bố tại Đối thoại Borlaug ở Des Moines, Iowa vào ngày 16 tháng 10 năm 2014, trong khuôn khổ Lễ Trao giải Lương thực Thế giới. Kết quả này cho thấy thực trạng của những người trụ lại trang trại, những người lựa chọn rời bỏ cánh đồng canh tác hoặc những người làm trang trại lần đầu tiên. Thông điệp xuyên suốt từ các kết quả này đó là mặc dù có nhiều thay đổi song những hộ nông dân ở Bắc Mỹ vẫn rất mong muốn theo đuổi nghề làm trang trại gia đình. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã khẳng định người nông dân đóng vai trò trọng tâm trong nỗ lực giải quyết đói nghèo và suy dinh dưỡng toàn cầu.
V.Đ