Theo công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), khi áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp sẽ rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục. Đối với thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, mặc dù chưa có số liệu đo cụ thể song mục tiêu đề ra là sẽ rút ngắn được khoảng từ 15- 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính hoặc nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cơ chế một cửa Quốc gia, ước tính hầu hết bộ hồ sơ do doanh nghiệp phải nộp/xuất trình sẽ được đơn giản và điện tử hóa, qua đó giảm thời gian và chi phí cho chuẩn bị chứng từ, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) giới thiệu về cơ chế hoạt động của hệ thống giám sát hải quan trên toàn quốc. Ảnh: Nhật Bắc. |
Với cơ chế điện tử thống nhất một đầu mối, các cơ quan Nhà nước sẽ có được cơ sở dữ liệu về chứng từ hành chính điện tử để sẵn sàng trao đổi với các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Qua đó mở ra cơ hội đơn giản hóa các hồ sơ, chứng từ áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Đề cập về kết quả tham gia Cơ chế một cửa ASEAN của Việt Nam, lãnh đạo TCHQ cho biết: Đến thời điểm hiện tại, có 7 nước thành viên gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai theo đúng cam kết. Từ 17/8 đến giữa tháng 9/2015, trong khuôn khổ Dự án thí điểm Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã lần lượt thực hiện hành công kết nối kỹ thuật và trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với Cơ chế một cửa Quốc gia của các nước thành viên là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đến hết tháng 10/2015, toàn bộ 5 nước gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng vận hành từ tháng 12/2015.