Thuế chống bán phá giá lần thứ 7 (POR7) đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ giảm so với mức thuế suất cuối cùng của đợt rà soát hành chính trước đó (POR6). Đây là kết quả tích cực đối với mặt hàng tôm đông lạnh nước ấm của Việt Nam.
Chế biến tôm đông lạnh tại Công ty Cafatex (Hậu Giang). |
Ngày 21/3, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố Quyết định sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 7 (POR7) đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo đó, mức thuế tạm thời đối với tất cả các công ty bị đơn bắt buộc (các nhà xuất khẩu của Việt Nam có khối lượng xuất khẩu chiếm đa số trong tổng lượng tôm xuất khẩu vào Mỹ, được DOC lựa chọn làm bị đơn bắt buộc tham gia quá trình điều tra) đều là 0,00%.
Mức thuế tạm thời cho bị đơn tự nguyện (các doanh nghiệp không được lựa chọn điều tra nhưng tự nguyện tham gia vụ điều tra) dựa trên mức bình quân của thuế suất cho các bị đơn bắt buộc là 0,00%.
Mức thuế toàn quốc (dành cho các nhà xuất khẩu còn lại không tự nguyện tham gia vụ điều tra hoặc tham gia không đầy đủ và không chứng minh được họ hoạt động độc lập với sự kiểm soát của chính phủ) là 25,76%.
Với quyết định sơ bộ đợt rà soát thuế này, Tập đoàn Minh Phú của Việt Nam sẽ hưởng mức thuế tạm thời 0,00%; Công ty Nha Trang Seafoods 0,00%; Mức thuế riêng rẽ 0,00%; Mức thuế toàn quốc 25,76%.
Bộ Công Thương cho rằng, mức thuế sơ bộ trên là kết quả rất tích cực so với mức thuế trong các đợt rà soát hành chính trước đây và là thuế suất của đợt rà soát hành chính đầu tiên được áp dụng quy định mới của Mỹ về việc không sử dụng phương pháp quy về 0 (zeroing) khi tính toán biên độ phá giá (quy định có hiệu lực từ ngày 16/4/2012).
Như vậy, với mức thuế sơ bộ bằng 0% cho thấy phương pháp zeroing có ảnh hưởng và tác động lớn đến thuế suất của các bị đơn Việt Nam. Việc loại bỏ phương pháp này khiến thuế suất sơ bộ giảm xuống đáng kể so với thuế suất cuối cùng của đợt rà soát hành chính trước đó (POR6) (giảm từ mức lớn hơn 0% hoặc không đáng kể (de minimis - 0,5% đối với các đợt rà soát hành chính) xuống 0%).
Kết quả sơ bộ nêu trên với việc áp dụng quy định mới về việc không áp dụng zeroing của Mỹ là dấu hiệu khả quan cho việc Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng của POR7 dự kiến vào tháng 7/2013.
Tuy nhiên đối với vấn đề thuế suất toàn quốc, Mỹ vẫn áp dụng một mức thuế suất rất cao (25,76%) đối với các bị đơn không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ vào vụ điều tra và không chứng minh được họ hoạt động độc lập với sự kiểm soát của chính phủ như trong các đợt rà soát hành chính trước đây đối với Việt Nam. Mức thuế suất này được DOC tính toán dựa trên các dữ kiện bất lợi, thường là do nguyên đơn cung cấp, khiến mức thuế rất cao. Đây là mức thuế Mỹ thường áp dụng đối với các quốc gia có nền kinh tế bị coi là phi thị trường như Việt Nam và là một vấn đề quan ngại của Việt Nam trong các vụ điều tra chống bán phá giá.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, sau khi DOC ban hành quyết định sơ bộ, các bên liên quan nếu muốn yêu cầu tổ chức một phiên điều trần hoặc tham dự phiên điều trần cần gửi một yêu cầu bằng văn bản tới DOC theo đường điện tử qua hệ thống IA ACCESS trong vòng 30 ngày sau ngày DOC công bố thông báo về quyết định sơ bộ. Trên cơ sở đó, DOC sẽ thông báo thời gian tổ chức phiên điều trần để các bên xác nhận. Thông qua việc tham dự phiên điều trần, các bên liên quan có thể bày tỏ các quan điểm, bình luận đối với quyết định sơ bộ của DOC cũng như một số vấn đề liên quan để DOC xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Hiện tại, Minh Phú và Nha Trang Seafood cũng đang là bị đơn bắt buộc trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm khởi xướng vào tháng 1/2013 vừa qua. Vụ việc này đang trong giai đoạn các doanh nghiệp bị đơn trả lời bản câu hỏi do DOC ban hành.
Hiện tại, sản phẩm tôm đông lạnh nước ấm của Việt Nam đang phải chịu thuế chống bán phá giá từ Mỹ kể từ năm 2004 và đã trải qua 7 lần rà soát hành chính hàng năm (POR). Các quyết định liên quan đến thuế chống bán giá của Mỹ đối với mặt hàng tôm có tác động quan trọng đến ngành sản xuất tôm của Việt Nam. Bởi, hiện Mỹ là thị trường lớn thứ 2 nhập khẩu tôm Việt Nam, sau Nhật Bản.
T.Hường