Sau hơn 3 năm tái cơ cấu với trọng tâm giải quyết nợ xấu Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) đã tích cực, chủ động áp dụng nhiều giải pháp kể cả đề nghị cơ quan pháp luật hỗ trợ trong công tác xử lý nợ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan khiến thời gian xử lý phải kéo dài.
Giao dịch tại ngân hàng Agribank. |
Thêm vào đó, tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn, các khoản nợ hết thời hạn cơ cấu tiếp tục chuyển thành nợ xấu làm cho áp lực xử lý nợ xấu càng trở nên bức thiết.
Khó thu hồi nợ khi phát sinh khởi kiện
Trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu gặp phải nhiều khó khăn trong xử lý các vụ việc có yếu tố hình sự. Khi chuyển điều tra hình sự, khách hàng ngừng trả nợ, tài sản bảo đảm xuống cấp và suy giảm giá trị. Tuy nhiên, các tài sản liên quan vụ án Agribank không được chủ động xử lý, dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản thấp, có khoản vay hầu như không thu được nợ. Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ: "Công cuộc xử lý nợ xấu gặp nhiều vướng mắc như: nhiều tài sản thế chấp cần phải bổ sung và hoàn thiện các hồ sơ, nhiều con nợ chây ì, thiếu hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản, các tòa dân sự quá tải, thủ tục phức tạp, kéo dài".
Số lượng các vụ việc do Agribank chủ động khởi kiện ra Tòa án dân sự các cấp lên đến mức hơn 6.800 vụ là một con số quá tải ngay với cả cơ quan tòa án. Điều này dẫn đến tình trạng việc thụ lý, giải quyết nhiều vụ án kéo dài, khó khăn trong việc thu hồi nợ. Tổng giá trị tranh chấp là 41.763 tỷ đồng, đến nay mới giải quyết được hơn 5.270 tỷ đồng, còn phải giải quyết là 36.489 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác thi hành án nhiều phức tạp, có vụ tới 4, 5 năm vẫn chưa thi hành xong, nhiều trường hợp tài sản bán đấu giá trên 10 lần vẫn không thành. Agribank cho biết đã thường xuyên làm việc với cơ quan thi hành án.
Mặt khác, không thể phủ nhận là hệ thống cơ chế pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, xử lý tài sản thế chấp, nợ xấu chưa cụ thể rõ ràng, thiếu đồng bộ. Điều này gây khó khăn ngay cả với việc tiếp tục cho vay đối với khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho VAMC để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng sau khi bán nợ.
Gánh vác sứ mệnh
tín dụng nông nghiệp, nông thôn
Không chỉ khó khăn trong thủ tục xử lý, nguồn lực tài
chính để tự xử lý nợ xấu cũng là một thách thức vô cùng lớn đối với Agribank,
bởi vì, ngân hàng này hiện đang đảm trách đến 8 chương trình tín dụng chính
sách theo chỉ đạo của Chính phủ bằng nguồn vốn tự cân đối nhưng trần lãi suất
cho vay (tính cả phần cấp bù lãi suất) phải thực hiện theo quy định của Ngân
hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Tính đến 30/4/2017, tổng dư nợ của Agribank đối với các
chương trình tín dụng chính sách theo các Quyết định 63, 65, của Thủ tướng
Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; Nghị quyết 30a của Chính
phủ về cho vay ưu đãi đối với các huyện nghèo; Nghị đinh 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp,
nông thôn; Nghị định 67, 89 về chính sách phát triển thủy sản; cho vay gia
súc, gia cầm; cho vay xây dựng nông thôn mới… đã lên đến hơn 557.000 tỷ đồng. Ngoài
ra, hiện Agribank vẫn còn 1.059 tỷ đồng chưa được cấp bù lãi suất.
Quyết liệt
triển khai các phương án
Việc giải quyết các khó khăn của Agribank là rất cấp
thiết trong giai đoạn hiện nay để ngân hàng có thể duy trì được cả hai vai, đặc
biệt là gánh nặng tín dụng chính sách cho nền kinh tế ở khu vực nông nghiệp,
nông thôn.
Thực tế, khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng đang rất cần các chính
sách, các khâu đột phá, bao gồm cả chính sách tín dụng để ngành nông nghiệp tái
cơ cấu thành công. Agribank cần cơ chế, cần sự chia sẻ của các ngành, các cấp
trong vấn đề xử lý nợ xấu để sớm xử lý dứt điểm tồn tại, vững tin một chặng
đường mới.