Giấy phép xây dựng bị “ngâm”
Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường cho biết: “Năm 2016, chúng tôi mua lại lô đất 17 ha của Công ty CP Kim khí Hải Phòng để xây Nhà máy bê tông. Tháng 11/2016, nhà máy đi vào sản xuất, với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Đến nay, dù đã nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng, hoàn tất việc trả tiền thuê đất, nhưng doanh nghiệp vẫn đang chờ cấp sổ đỏ. Sự chậm chễ này khiến đơn vị không thể vay được vốn ngân hàng”.
"Chưa hết, cách đây 3 năm, công ty mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy bê tông đúc sẵn tại lô đất ở thị xã Sơn Tây đã được cấp sổ đỏ từ năm 2008, với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Công ty đã cố gắng hoàn thành các thủ tục xin giấy phép xây dựng, nhưng đã 3 năm nay vẫn chưa được cấp phép", ông Thắng trần tình.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức tại Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp tư nhân đều cho rằng: Thủ tục cấp phép xây dựng hiện nay nhiêu khê bao nhiêu, thì giấy tờ xin thuê đất gian truân bấy nhiêu. Các văn bản "hành là chính" đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là giấy tờ liên quan đến Luật Đất đai.
“Với những dự án đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên, nhiều hạng mục quan trọng phải nhập thiết bị từ nước ngoài, do không thể hoàn thiện giấy tờ theo Luật Xây dựng, nên không thể xin được giấy phép xây dựng. Nhiều thủ tục giao dịch đảm bảo tài sản để vay vốn ngân hàng mất nhiều thời gian, không đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng đang khiến doanh nghiệp không thể vay vốn”, Giám đốc Xí nghiệp Vật liệu Trung Hải nói.
Bất cập trên cũng khiến không ít doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào cảnh nợ nần. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai bức xúc: Doanh nghiệp hiện có 12 dự án, với tổng diện tích 150 ha tại TP Hồ Chí Minh đang bị "ách tắc" vì liên quan đến các thủ tục hành chính. Đơn cử, dự án 3.000 m2 được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 11/2017, có giá trị thời hạn 12 tháng. Đến tháng 10/2018, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trình UBND Thành phố chấp thuận đầu tư, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, Văn phòng UBND Thành phố trả lại doanh nghiệp, vì văn bản Sở Xây dựng ghi "cơ bản hoàn thành" mà không khẳng định "hoàn thành". Do vậy, từ tháng 11/2017 đến nay, dự án bị đình trệ.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty xây dựng thương mại Lê Thành đặt câu hỏi: "Với quy trình cấp phép một dự án xây dựng hiện nay, không biết ai phụ trách, nội dung, thời gian bao lâu phải trả lời công khai cho người dân, doanh nghiệp, ai chịu trách nhiệm...? Câu trả lời vẫn đang bị bỏ ngỏ".
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc VCCI chi nhánh Hà Tĩnh nhìn nhận: Tiến độ giải quyết hồ sơ dự án của doanh nghiệp và nhà đầu tư hiện nay quá chậm, nhiều dự án vướng mắc thủ tục kéo dài đến 10 năm vẫn chưa giải quyết. Việc thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép xây dựng cho các dự án đầu tư đang phải đối mặt với tình trạng quá tải khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp "mệt mỏi".
Kiến nghị sửa đổi các quy định bất cập
Theo Thông tư số 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/6/2016 về việc hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng quy định: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho dự án, bắt buộc chủ đầu tư phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
“Điều này gây khó khăn với chủ đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án lớn (trên 20 ha). Chủ đầu tư rất muốn đạt được thỏa thuận đất đai với người dân, để có thể được cấp giấy phép xây dựng triển khai. Tuy nhiên, chỉ cần từ 5 - 7% diện tích đất đai chưa thỏa thuận được, thì chủ đầu tư không được cấp phép xây dựng”, bà Vũ Thị Thu Hà dẫn chứng.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét lại quy định này, có thể quy định cho doanh nghiệp chỉ cần sở hữu được 80% diện tích đất theo quy hoạch dự án, thì sẽ được cấp phép; đồng thời, cần sửa đổi đối tượng áp dụng tại Thông tư số 15/2016/TT-BXD.
Đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung các thủ tục đầu tư xây dựng đang còn thiếu khoa học, gây tốn kém thời gian cho doanh nghiệp. Hiệp hội cũng đã kiến nghị trực tiếp vấn đề này với Bộ Xây dựng, nhằm đơn giản hóa quy trình thẩm định và cấp phép. Ví dụ, để thẩm định 1 dự án đầu tư xây dựng hiện nay, doanh nghiệp chắc chắn phải làm việc với Bộ Xây dựng, nhưng nếu có đất đai thì phải làm việc tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải trình với Bộ Công an về thủ tục phòng cháy chữa cháy và xin Bộ Quốc phòng cấp phép về chiều cao tĩnh không. Như vậy, doanh nghiệp phải làm việc với 4 bộ, trong khi hiện nay chưa có bộ phận một cửa thống đầu mối giải quyết liên thông.
Thủ tục nào làm dân bức xúc nhất thì phải cắt
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay: Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có nhiều bước tiến. Tuy nhiên, năm 2019 đặt ra nhiệm vụ phải cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện không cần thiết, các thủ tục gây rào cản cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ này cần đi vào cụ thể, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tục nào, dịch vụ nào mà người dân, doanh nghiệp đang bức xúc nhất thì phải xem xét cắt giảm trước.