Theo Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm
2012, Hà Nội sẽ ứng 376 tỉ đồng để bình ổn giá 10 mặt hàng.
Số tiền bình ổn giá chỉ đáp ứng 80% nhu cầu. Ảnh Internet. |
Các doanh nghiệp sử dụng kinh phí trên để dự trữ 6.000 tấn gạo
tẻ, 900 tấn thịt lợn, 350 tấn thịt gà, 6 triệu quả trứng, 450 tấn thủy, hải sản,
550 tấn thực phẩm chế biến, 13.000 lít dầu ăn, 200 tấn đường, 2.000 tấn rau củ
và 1.350.000 tập giấy vở học sinh.
Tuy nhiên, số vốn của thành phố ứng ra để thực hiện bình ổn
giá chỉ mới đáp ứng bình quân 8% so với nhu cầu tổng mức 10 nhóm mặt hàng trên.
Vì vậy, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp bằng các nguồn vốn
khác chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng, đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng
được khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố trong 1 tháng.
Hàng hóa tham gia bình ổn giá phải là hàng Việt Nam, đảm bảo
về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ảnh hưởng
đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Để chủ động nguồn hàng, Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp
thu mua hàng hóa trong và ngoài thành phố; ưu tiên khai thác nguồn hàng của các
doanh nghiệp hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn thành phố; chủ động phối hợp
với các tỉnh trong việc khai thác hàng hóa nhằm bù đắp lượng hàng thiếu của Hà
Nội thông qua các đợt đưa doanh nghiệp đi tìm hiểu khai thác, ký kết hợp đồng đồng
thu mua hàng tại các tỉnh.
Để việc bán hàng bình ổn giá có hiệu quả, các doanh nghiệp
thực hiện bình ổn giá cũng cần phát triển mạng lưới ở các chợ dân sinh, khu dân
cư theo mô hình hợp tác liên kết, bán đại lý và tăng cường công tác đưa hàng
bình ổn giá tới các bếp ăn tập thể của các trường học, cơ quan, khu công nghiệp,
khu chế xuất.
TTXVN/Tin Tức