Hàng ngàn công nhân bị 'quỵt' tiền bảo hiểm

Từ vụ tai nạn lật xe chở công nhân kinh hoàng hồi tháng 12/2012 làm 24 người lao động của Công ty điện tử Foster (tại KCN VSIP 2, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) bị thương, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương vào cuộc thẩm tra, đến nay mới có kết quả và phát hiện ra hàng ngàn công nhân bị “quỵt” tiền bảo hiểm.

Hàng ngàn công nhân đang làm việc cho Công ty điện tử Foster (thuộc hai chi nhánh đóng tại KCN VSIP1 - 2, Bình Dương) nhưng số lao động này thuộc “biên chế” quản lý của các công ty khác được cho Foster thuê lại. Việc thuê lao động từ các công ty khác để gia công các đơn hàng là một hiện tượng khá mới. Đặc biệt từ vụ hàng ngàn công nhân không tiền đóng bảo hiểm dẫn theo nhiều hệ lụy khó lường.

Công nhân qua làm thuê trung gian giữa công ty Foster và một công ty cung ứng lao động gặp nạn điều trị tại BV Đa khoa Bình Dương nhưng không được hỗ trợ bảo hiểm.


* Hàng ngàn công nhân không có bảo hiểm

Bà Lê Minh Lý, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: Sau khi có thông tin hàng chục công nhân của Công ty Foster gặp nạn, chúng tôi đã tiến hành xác minh, thẩm tra việc đóng bảo hiểm toàn bộ số công nhân này nhưng không tìm thấy bất kỳ ai trong số công nhân nói trên có tham gia bảo hiểm.

Điều đáng tiếc và đau lòng hơn nữa đối với thân nhân hai nữ công nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông trên là không nhận được tiền hỗ trợ nào. Chúng tôi đành bó tay không thể giải quyết được chế độ cho họ vì không có tham gia đóng bảo hiểm - bà Lý bức xúc nói.

Cơ quan bảo hiểm không mong muốn thu nhiều, thu cao tiền bảo hiểm mà việc đóng bảo hiểm là một chính sách nhân văn để bảo vệ cho người lao động không may xảy ra rủi ro như tai nạn, thất nghiệp, thai sản… nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết chế độ bảo hiểm theo qui định giúp người đóng bảo hiểm giảm bớt khó khăn.

Mới đây tại buổi kiểm tra về chính sách chăm lo Tết cho người lao động tại Công ty điện tử Foster đóng tại KCN VSIP ( Bình Dương), ông Nguyễn Phùng Trung, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: Việc có đến 5.000 công nhân làm việc tại Công ty Foster không được đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp là không thể chấp nhận được. “Theo qui định nếu công nhân có hợp đồng làm việc sau ba tháng là phải tham gia đóng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động... Ông Trung yêu cầu Công ty Foster rút kinh nghiệm.

Đoàn chức năng Bình Dương làm việc với Công ty Foster về chấp hành chính sách chăm lo cho người lao động.


Làm việc với đoàn chức năng, ông Yashitake Yokihiro, Tổng giám đốc Công ty Foster thừa nhận và giải thích rằng: Hiện nay có 5.000 công nhân làm việc tại công ty là số lao động thuê từ các công ty khác cung ứng để gia công từng đơn hàng theo thời vụ. Tất cả số công nhân mà Công ty Foster ký kết với các công ty cung ứng cho thuê lao động đều được chúng tôi trả tiền lương, thưởng cho công nhân qua các doang nghiệp đó.

Thời gian qua, do thiếu giám sát về việc này nên các công ty cung ứng lao động không thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho công nhân. “Sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi biết được nên rất đau lòng. Tôi cam kết tới đây, nếu các công ty cung ứng lao đông không tuân thủ các quy định luật pháp Việt Nam như Luật bảo hiểm, Luật lao động thì chúng sẽ thanh lý hợp đồng và không nhận bất kỳ công nhân nào nữa” – ông Yokihiro nhìn nhận.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Vượng, Trưởng phòng quan hệ việc làm của Công ty Foster cho biết: Thời gian qua, công ty có ký hợp đồng 4-5 công ty bên ngoài để cung ứng thêm nguồn lao động cho Foster, trong đó có đơn vị cung ứng lao động ở tỉnh Đồng Nai. Số lao động khoảng 5.000 lao động làm việc qua công ty trung gian đến nay đã giảm xuống còn dưới 3.000 người sau khi có sự cố nói trên; tất cả công nhân đã nhận đầy đủ lương và thưởng trước khi nghỉ Tết.


* Hoàn cảnh khó khăn của những công nhân gặp nạn


Trước đó, hồi tháng 12/2012, một hai chiếc xe khách và xe chở hàng chục công nhân từ tỉnh Đồng Nai sang KCN VSIP 2 (Bình Dương) làm việc đã bất ngờ đâm vào nhau gây ra tai nạn thảm khốc. Cú đâm mạnh khiến xe chở công nhân bị lật kinh hoàng khiến hai nữ công nhân văng ra ngoài tử vong và hàng chục công nhân bị thương nhập viện điều trị. Hai công nhân thiệt mạng được xác định là Lưa Thị Thu Vân (22 tuổi, quê Vĩnh Long) và Nguyễn Thị Chi (18 tuổi, quê Sóc Trăng).

Điều đáng quan tâm, tất cả các công nhân bị nạn đều không được phía công ty thuê và đơn vị cung ứng lao động đóng bảo hiểm y tế nên không được Bệnh viện đa khoa Bình Dương hỗ trợ điều trị theo diện bệnh nhân có đóng bảo hiểm. Cả hai công nhân bị nạn tử vong do một Công ty ở tỉnh Đồng Nai quản lý và cho phía Công ty điện tử Foster thuê lại cũng không có đóng bảo hiểm nên không nhận được bất kỳ chế độ bồi thường nào từ cơ quan bảo hiểm. H oàn cảnh hai nữ công nhân chết trong vụ tai nạn trên đều có hoàn cảnh rất nghèo khó , gia đình thuộc diện hộ nghèo nhất nhì của xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) và ấp Tân Hòa A (xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng).

Được biết, Công ty TNHH Điện tử Foster chuyên gia công các linh kiện điện tử có hai nhà máy tại KCN Việt Nam –Siangpore 1 và 2 (Bình Dương) có thời điểm sử dụng số lao động lên đến 15-17 ngàn người.


Dương Chí Tưởng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN