Hiệp hội Thang máy Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thang máy, thang cuốn và lĩnh vực liên quan đến thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật.
Hiệp hội có 3 chức năng chính: Đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực ngành nghề thang máy, thang cuốn; tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm, xếp hạng doanh nghiệp thang máy, thang cuốn; hỗ trợ, tư vấn, đánh giá trung gian các dịch vụ thang máy, thang cuốn.
Trong bài phát biểu sau khi được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội, ông Nguyễn Hải Đức cho biết: "Hiện nay, trước những tiềm năng, cơ hội cũng như đối mặt với những thách thức lớn trong lĩnh vực thang máy, bắt buộc chúng ta phải thay đổi, phải chủ động. Không ai khác, chính chúng ta - những doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong ngành sẽ là những hạt nhân tiên phong, phải kết nối, thống nhất để phát triển. Xây dựng Hiệp hội trở thành một tổ chức uy tín, đại diện cho toàn ngành thang máy, thang cuốn Việt Nam, đồng thời tăng cường sự phát triển bền vững cho lĩnh vực thang máy, thang cuốn ở Việt Nam cũng như vươn tầm ra thị trường quốc tế".
Giai đoạn qua, hoạt động liên quan đến lĩnh vực thang máy còn khá rời rạc. Từ các đơn vị nhập khẩu, đơn vị sản xuất trong nước đến kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, các hoạt động kiểm định và hoạt động liên quan đến bảo trì, cung ứng các thiết bị đang hoạt động tương đối nhiều, nhưng khá rời rạc và chưa có một sự thống nhất, liên kết với nhau để đảm bảo cho hoạt động này mang tính liên thông.
Cùng với nhu cầu lắp đặt thang máy ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều bất cập như một số đơn vị sản xuất, nhập khẩu thang máy không đảm bảo chất lượng, chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn cho người vận hành, sử dụng, bảo trì; tổ chức cá nhân sở hữu vận hành thang máy chưa thực hiện đầy đủ công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng thang máy; người lao động lắp đặt bảo trì, phụ trách vận hành thang máy chưa được đào tạo về an toàn trong quá trình làm việc, gây sự cố tai nạn nghiêm trọng cho người lao động, người vận hành.
Ngày 20/8/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 594/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hiệp hội thang máy Việt Nam. Đây được xem là một trong những dấu mốc quan trọng của ngành thang máy Việt Nam.
Việc thành lập Hiệp hội thang máy Việt Nam là hết sức cần thiết. Với mục tiêu, kết nối các hội viên tham gia hoạt động xây dựng Hiệp hội thường xuyên, hiệu quả, không vụ lợi; thống nhất các chính sách về sản xuất, kinh doanh, thương mại; đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội, của hội viên, của người tiêu dùng, cùng hỗ trợ nhau góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ triển khai công tác chuyên môn và phát triển phong trào, như tham gia ý kiến xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho thang máy, thang cuốn; tham gia nghiên cứu, tư vấn, đánh giá về an toàn, hiện trạng kỹ thuật thang máy, thang cuốn tại Việt Nam.
Theo thống kê đến thời điểm này thì Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy với khoảng 5.000 chiếc thang máy, thang cuốn được lắp đặt mỗi năm và con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.