Vợ chồng anh Nguyễn Công Trung Nhận và Trần Thị Chuyên, ở xóm 5, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, Hà Nam là điển hình bởi lấy nhau khi đó hai bên gia đình đều khó khăn về kinh tế, ngoài mấy sào ruộng, vợ chồng không có nghề phụ, muốn phát triển chăn nuôi thì không có vốn. Với hai bàn tay trắng, năm 2002, khi nhà nước cho phép chuyển đổi vùng đất trũng, kém hiệu quả sang đất đa canh, hai vợ chồng đã bàn với nhau dồn đổi ruộng đất nông nghiệp. Thời gian đó, nhiều hộ đào ao thả cá, vợ chồng anh đã xin đất ở các ao lấp thành nền và vay mượn anh em, bạn bè xây dựng 100 m2 chuồng trại chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua con giống, bước đầu chỉ là 5 con lợn nái thường, sau đó nhân giống dần và chuyển đổi sang lợn nái trang trại, lợn con, lợn thịt, trồng cây… Đến nay, trang trại của gia đình anh đã phát triển lên gần 4 ha, mỗi năm cho thu lãi từ 450- 500 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5 nhân công địa phương với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn giúp sức từ ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Bùi Văn Hỗ cũng là một ví dụ tiêu biểu của xã Đức Lý, huyện Lý Nhân. Bởi theo ông Bùi Văn Hỗ, nhờ nguồn vốn này kinh tế gia đình ông đã được vực dậy, con cái được tiếp tục học hành và còn có của ăn của để. Cùng với đó, khi thoát nghèo rồi ngân hàng lại tiếp tục hỗ trợ vốn cho người mới thoát nghèo nên gia đình cảm thấy như được tiếp thêm nguồn lực
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, hiện nay, chi nhánh đang thực hiện cho vay vốn theo 8 chương trình, trong đó có 4 chương trình tín dụng ưu đãi liên quan đến hộ nghèo là: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và Chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở. Tính đến tháng 7/2016, chương trình cho vay hộ nghèo có dư nợ hơn 298 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo có dư nợ hơn 332 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo có dư nợ gần 120 tỷ đồng và cho vay hộ nghèo làm nhà ở có dư nợ hơn 22 tỷ đồng. Nguồn vốn được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng đã giúp hàng chục nghìn hộ có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện nay xuống dưới 4%.
Ông Lê Văn Hoạch, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam cho biết, để chương trình tín dụng ưu đãi tiếp tục phát huy được hiệu quả, trong thời gian tới chi nhánh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ giao dịch lưu động và tiết kiệm, vay vốn. Ngoài ra, chi nhánh cũng sẽ tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay, bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, đồng thời tuyên truyền sâu rộng tới các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có ý thức trả nợ, trả lãi để không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng. Từ nay đến năm 2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nam phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có đủ điều kiện và nhu cầu được sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng cao chất lượng tín dụng bảo đảm nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ.