Xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang là vùng trồng cam sành nổi tiếng với những “làng tỷ phú, triệu phú”. Nhiều người trong số họ có được cơ ngơi hiện nay là nhờ đã được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Gia đình anh Hoàng Văn Chương là một trong những hộ di dân từ lòng hồ thủy điện Na Hang về thôn Mường sinh sống. Bắt đầu cuộc sống mới vợ chồng anh Chương gặp nhiều khó khăn; đất sản xuất ít, không có vốn, anh chị phải đi làm thuê tại các vườn cam trong làng. Sau hai năm lao động vất vả, anh Chương mua được 1 ha đất để trồng cam, nhưng lại không có vốn để đầu tư chăm sóc, nên cây cam không phát triển.
Năm 2012, khi Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, anh Chương đã đăng ký. Tháng 6/2012, anh là một trong những hộ nghèo đầu tiên ở thôn Mường được vay vốn 15 triệu đồng. Với số tiền được vay, vợ chồng anh Chương đầu tư chăm sóc 400 gốc cam. Từ vườn cam cằn năng suất thấp, nhờ được chăm bón đầy đủ, đúng kỹ thuật, nên vụ mùa sau đó, gia đình anh Chương đã thu được 20 tấn cam, lãi 100 triệu đồng. Vụ cam năm 2014, gia đình anh đã hoàn trả nợ trước hạn 7 tháng cho ngân hàng. Vườn cam phát triển tốt, mỗi năm gia đình anh thu về 150 - 200 triệu đồng. Đầu năm 2015, gia đình anh Chương mua thêm được 0,5 ha vườn, trồng mới 200 gốc cam. Mỗi vụ thu hoạch cam, gia đình anh tạo việc làm cho từ 50 - 70 lao động với mức thu nhập 150 - 200.000 đồng/người/ngày.
Anh Hoàng Văn Chương (bên trái), thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang nhờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển cây cam đã vươn lên thoát nghèo.
|
Ông Vũ Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: Đến nay, tổng dư nợ ngân hàng của xã lên tới 28 tỷ đồng, cao nhất trong 17 xã của huyện Hàm Yên. Nguồn vốn từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội đóng một phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của xã. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 13%.
Từng là một trong những hộ nghèo nhất của thôn 11, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, gia đình chị Hoàng Thị Tầm đã nỗ lực phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Chị Tầm quê gốc ở Nam Định, trước đây cả gia đình chị có 6 người, không có việc làm, ở trong căn nhà lợp lá cọ rộng chưa đầy 25 m2, kinh tế gia đình khó khăn bởi phụ thuộc chủ yếu vào mảnh vườn nhỏ của họ hàng cho mượn và 1,5 sào ruộng.
Năm 2006, gia đình chị được xét vay 10 triệu đồng. Chị thuê máy về cải tạo đám ruộng của gia đình thành ao thả cá. Ba năm sau, gia đình chị Tầm đã hoàn trả được số nợ cũ và đã thoát nghèo. Chị tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để đầu tư kiên cố lại 1 mẫu ao, mua mới 2 sào ruộng mở rộng diện tích ao, đồng thời làm đường ống dẫn nước từ khe suối xuống ao, đảm bảo môi trường sinh trưởng an toàn cho cá.
Ông Hán Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận chia sẻ: Được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội từ những năm 2003, 2004, cuộc sống của nhân dân Tứ Quận đặc biệt là những hộ được tiếp cận nguồn vốn đã cải thiện đáng kể. Hộ nghèo giảm 33% năm 2011 xuống còn 2,5% năm 2015; đến nay đã có trên 940 hộ nghèo ở địa phương được vay vốn với tổng dư nợ trên 16 tỷ đồng. Các hộ được vay vốn đều sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Tứ Quận là địa phương không có nợ tồn đọng.
Bà Lê Thị Phí Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang cho biết: Thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Tuyên Quang thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi; đồng thời xây dựng một số nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Nguồn vốn và dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10 - 15%, phấn đấu đến năm 2020 dư nợ đạt trên 3.000 tỷ đồng...