Hiệu quả từ mô hình cho vay qua tổ vay vốn tại Agribank Tiền Giang

Những năm gần đây, Chi nhánh Agribank tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã triển khai thực hiện mô hình cho vay vốn thông qua Tổ vay vốn. Ưu điểm của mô hình này là đồng vốn được đưa đến tận tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất.

Về huyện Chợ Gạo - tỉnh Tiền Giang, chúng tôi gặp nhiều người dân, ai cũng rạng rỡ. Ông Nguyễn Chí Thiện - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp An Khương (xã An Thạnh Thủy) cho biết: "Gần đây cuộc sống của người dân khấm khá thấy rõ. Một trong những nguyên nhân góp phần đem lại cuộc sống no ấm cho mọi nhà, mọi người là nhờ có sự hỗ trợ vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thông qua mô hình cho vay vốn thông qua Tổ vay vốn".

Vườn thanh long đang cho trái của ông Nguyễn Ngọc Nhơn.

Theo ông Thiện, hiện ấp đã thành lập Tổ vay vốn với 50 thành viên, với số vốn vay tại Agribank chi nhánh Chợ Gạo - Tiền Giang gần 2 tỷ đồng. Tham gia mô hình này, các thành viên trong Tổ vay vốn được Agribank hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển kinh tế và được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực. Tình làng nghĩa xóm nhờ vậy mà càng thắt chặt hơn. Niềm tin của người dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng được bồi đắp.


Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thôi, ở ấp An Khương (xã An Thạnh Thủy), gia đình ông có 8 công đất, trong đó trồng dừa khoảng 5,5 công, số còn lại ông dành để triển khai các mô hình nuôi heo, nuôi gà và làm hầm biogas. Vừa uống trà, ông Thôi tâm sự: "Vào năm 2010, tôi tham gia vào tổ vay vốn với số vốn ban đầu mà ngân hàng giải ngân cho tôi là 50 triệu đồng, tôi chăn nuôi nhỏ lẻ làm kinh tế phụ cho gia đình. Tôi thực hiện vay vốn và trả nợ vay ngân hàng đúng hạn, bao gồm nợ gốc và lãi vay cho đến hết năm 2013. Đến đầu năm 2013, do đàn heo cứ tăng dần, nên tôi đã làm dự án xin vay vốn tại Agribank với số tiền 200 triệu đồng. Tôi thực hiện đúng cam kết với Agribank Chi nhánh Chợ Gạo trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng theo phân kỳ hạn của ngân hàng cho đến hết năm 2015".


Rất vui mừng với thành quả mà gia đình đã thu hoạch được trong những năm qua, ông đưa chúng tôi ra xem đàn heo của gia đình. Ông Thôi nói: "Tôi có quan hệ tín dụng với Chi nhánh của Chợ Gạo từ lâu, cho đến nay gia đình tôi có 450 con heo (trong đó có khoảng 40 con heo nái và trên 400 con heo thịt). Thu nhập từ các nguồn bán dừa, gà và heo... khoảng 1,4 tỷ đồng/năm".


Trao đổi với chúng tôi, ông Thôi cho biết thêm: “Thật ra nuôi heo bây giờ rất bấp bênh, nhưng sở dĩ nhiều năm nay gia đình tôi nuôi heo có lời là nhờ liên kết với Công ty TNHH TongWei Tiền Giang. Mỗi tháng công ty giao cho tôi khoảng 50 tấn cám. 50% số cám này tôi dành để nuôi heo, 50% còn lại tôi đem bán cho các hộ chăn nuôi ở lân cận để kiếm thêm đồng ra đồng vào tấp vô nuôi đàn heo, nhờ vậy mà lứa heo nào bán cũng có lời”.


Gia đình ông Nguyễn Ngọc Nhơn ở ấp Tân Thắng (xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo) có 16 công đất và cũng được vay vốn từ mô hình cho vay qua Tổ vay vốn. Năm 2016, thông qua tổ vay vốn của Hội Nông dân ấp, gia đình ông Nhơn được Agribank chi nhánh Chợ Gạo - Tiền Giang xét cho vay 170 triệu đồng. Có vốn, ông đã cải tạo đất trồng dừa, nuôi bò và trồng nhiều loại hoa màu như: bắp, ớt… Nhờ siêng năng chịu khó, nên thu nhập từ các nguồn đầu tư vừa kể trên khá ổn định. Điều đáng mừng là chỉ mới có phân nửa chu kỳ sử dụng vốn, gia đình đã có tích lũy và trả dứt nợ cho ngân hàng.


Hôm chúng tôi ghé thăm, mặc dù đã khá trưa, trời nắng gắt, nhưng ông Nhơn vẫn còn ở ngoài đồng, say sưa chăm sóc cây trồng mới. Với 3,5 công thanh long. sau một thời gian được gia chủ chăm sóc kỹ lưỡng nay đã bắt đầu cho trái chiến. Ông Nhơn phấn khởi chia sẻ: "Với giá thanh long như hiện nay thì nguồn thu nhập từ thanh long cũng kha khá đây".


Theo ông Lê Văn Danh - Giám đốc Agribank Chợ Gạo - Tiền Giang, cho biết, hiện nay Agribank Chợ Gạo đã triển khai được 89 Tổ vay vốn, với tổng dư nợ tính đến tháng 10/2017 trên 158 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16% tổng dư nợ tại chi nhánh. Ưu điểm của mô hình này là ban quản lý tổ đã cộng tác lâu năm với Agribank nên rất có kinh nghiệm trong khâu tiếp nhận hồ sơ vay vốn, hướng dẫn các thành viên trong tổ làm đúng thủ tục, hồ sơ vay vốn của ngân hàng. Đồng thời, Tổ vay vốn có trách nhiệm theo dõi kỳ hạn vay, ngày trả lãi, ngày đến hạn trả nợ của các thành viên để kịp thời trả vốn gốc cũng như lãi vay cho ngân hàng. Ông Danh nói: "Việc cho vay qua tổ, nhóm không những giúp người vay khi có nhu cầu vay vốn không những thuận tiện về thủ tục, không gây phiền hà mà còn đáp ứng được nhu cầu vay vốn của bà con nông dân trong xã. Công việc cho vay thông qua Tổ vay vốn còn giảm áp lực cho cán bộ tín dụng trong tất cả các khâu trong quản lý tín dụng".


Để đạt được mục tiêu đề ra, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố việc cho vay qua Tổ vay vốn, mở rộng quy mô tín dụng qua tổ đối với hộ gia đình và cá nhân song song với việc phát triển các dịch vụ khác; tăng cường mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời tập huấn cho các Tổ trưởng Tổ vay vốn những vấn đề thay đổi liên quan để phát huy tối đa tính ưu việc của mô hình này, góp phần đưa đồng vốn ngân hàng đến tay bà con nông dân thuận lợi và nhanh chóng hơn, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao.


Đăng Giới/Báo Tin tức
Agribank đưa "ngân hàng di động" về với nông dân
Agribank đưa "ngân hàng di động" về với nông dân

Ngày 21/11, tại xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tổ chức triển khai thử nghiệm Đề án điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN