Cái khó của con đường khởi nghiệp
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, cho rằng: Bước vào cuộc đời doanh nhân, con đường khởi nghiệp không bao giờ là con đường thằng, thường bước đầu thành công thì phải tìm kiếm cơ hội tiến cao hơn.
Tuy nhiên, những bước tiến tiếp theo sau khởi nghiệp khá quan trọng do có nhiều đối thủ cạnh tranh, do đó đến đỉnh càng cao thì vực thẳm càng sâu. Do đó, con đường khởi nghiệp sáng tạo, kết quả thành công hay không là cách người khởi nghiệp tồn vong như thế nào? Mặt khác, để đo được doanh nghiệp thành công hay không phải hơn 20 năm, đồng thời con đường khởi nghiệp là luôn nỗ lực phát triển đi lên nên thái độ của người khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Tương tự, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đầu tư và tư vấn Retail & Franchise Asia, cho hay: Hiện nay, chúng ta sống trong thời đại hội nhập kinh tế tự do, không chỉ riêng Việt Nam mà quốc gia nào cũng muốn đất nước mình vươn ra tầm quốc tế.
Thương trường là chiến trường, trong đó yếu tố thắng lợi là tư duy, nâng cao năng lực cạnh tranh và chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh trong thị trường hội nhập. Nếu không bắt đầu bằng tầm nhìn khu vực, sẽ không có sự chuẩn bị một cách toàn diện về mọi mặt để có thể cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới cũng như tập đoàn mạnh về tài chính, nhân lực đang đổ vào Việt Nam.
Khi đã thay đổi được tư duy về tầm nhìn khi khởi nghiệp là quốc tế, thay vì chỉ giới hạn tại thị trườngViệt Nam, bà Nguyễn Phi Vân, cho rằng: việc tiếp theo của những người khởi nghiệp là vẽ bản đồ sản phẩm thông qua việc xác định thị trường tiềm năng để tạo ra cấu trúc sản phẩm phù hợp, chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho việc đưa hàng hóa tiếp cận với khách hàng mục tiêu.
“Nếu muốn thành công, nếu muốn không thua kém doanh nghiệp các quốc gia khác, chúng ta cần học hỏi và có chiến lược như họ, chuẩn bị kỹ và biết phát triển bản thân mình hơn họ trên cơn đường khởi nghiệp”, bà Nguyễn Phi Vân nói.
Từ sản phẩm khởi nghiệp đến thương mại hóa sản phẩm là cả một quy trình với xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, quảng bá xúc tiến thương mại... do đó cần sự hỗ trợ và liên kết của nhiều tổ chức, cá nhân.
Trong đó, các chuyên gia cho rằng: Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước là làm sao để khơi thông và dẹp bỏ các điểm nghẽn làm nản lòng người khởi nghiệp. Đồng thời, cần có sự cam kết của chính quyền để tạo chỗ dựa, dẹp bỏ mọi rào cản, luôn rộng mở đối với những người khởi nghiệp, hướng đến chính quyền khởi nghiệp.
Với quan niệm đội ngũ lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước cần có "cái tâm" đối với người khởi nghiệp, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, cho biết ông đã tiếp cận tiếp cận với vấn đề khởi nghiệp từ câu chuyện của một bạn trẻ ở miệt Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Cái tâm của người lãnh đạo là luôn đồng hành, truyền cảm hứng cho những ý tưởng khởi nghiệp, để cụ thể hóa cam kết đồng hành bằng những việc làm thiết thực chứ không là những khẩu hiệu sáo rỗng, làm theo kiểu phong trào, theo kiểu người ta có mình cũng có.
Trong đó, cần tiếp cận với các dự án khởi nghiệp từ khâu định hướng, tư vấn, phản biện, đến cụ thể hóa bằng các chính sách hỗ trợ cụ thể, tạo niềm tin cho người khởi nghiệp.
Nắm bắt xu hướng công nghệ
Hiện nay thế giới thay đổi hàng ngày, đặc biệt là công nghệ marketing dễ thay đổi và phức tạp, nên doanh nghiệp kinh doanh trong bối cảnh công nghệ, thị trường đầy biến động và không chắc chắn.
Đồng thời, phải cạnh tranh trong cơn bão "công nghệ", tồn tại thế giới kinh doanh ngầm cũng như thế giới đang nói đến khái niệm "đế chế online". Theo thống kê Việt Nam có khoảng 50 triệu phú đô la là 9X, kiếm 100.000 USD/tháng trên Facebook, tuy nhiên vẫn có hàng triệu bạn trẻ đốt tiền trên Facebook và không đạt được thành công.
Theo các chuyên gia, trước khi phát triển kinh doanh hay doanh nghiệp, các startup cần đầu tư phát triển bản thân. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành lập mới nhưng không ít doanh nghiệp đang ngắt ngoải bởi sức mạnh thương hiệu đang yếu dần, khó có chiến lược phát triển lâu dài và chỉ kiếm sống tạm thời, mô hình kinh doanh không có lợi thế cạnh tranh...
Đặc biệt, hệ thống phân phối là điểm yếu cốt tử của doanh nghiệp Việt Nam do giới hạn về tài chính; khách hàng đang mất dần do không nắm bắt kịp xu hướng mới, hệ thống quy trình và công cụ quản lý chưa được ứng dụng công nghệ hiện đại.
Lý giải nguyên nhân khách hàng của doanh nghiệp mất dần, bà An Hà, Giám đốc điều hành Công ty AntBudyt, cho rằng: đó là do doanh nghiệp không có phương thức hiệu quả chăm sóc khách hàng; tư vấn xong không giữ liên hệ; không có chính sách giữ khách hàng đã mua.
Ngoài ra, trước thực trạng khách hàng tiếp cận đa kênh, doanh nghiệp chưa nắm bắt hiệu quả xu hướng tiếp cận khách hàng mọi lúc mọi nơi, chưa ứng dụng các công nghệ tiếp cận riêng từng khách hàng, thiết kế quy trình trải nghiệm thương hiệu qua nhiều điểm tiếp xúc... do đó, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp truyền thống cần sớm nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ trên để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và hội nhập thị trường quốc tế.
Trong đó, doanh nghiệp cần có giải pháp gia tăng số lượng khách hàng, số tiền trung bình/giao dịch, số lần giao dịch của khác hàng.
Theo khảo sát, đổi mới định vị thương hiệu tại Việt Nam hiện nay chủ yếu tự phát mà chưa có nghiên cứu và chiến lược hiệu quả. Vì vậy, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty The PathFinder, cho rằng: các doanh nghiệp truyền thống hãy nhìn lại mô hình kinh doanh của mình để ứng dụng ngay các mô hình kinh doanh và công nghệ hiện đại hơn, để tăng giá trị cho khách hàng.
Phát triển doanh nghiệp, nên áp dụng mô hình kinh doanh mới, nhưng không đổi mới tư duy định vị, định nghĩa ý nghĩa ngành hàng hay sản phẩm mới thì khó thành công. Ngoài ra, cạnh tranh thành công không đến bằng việc làm tốt hơn, mà phải tạo ra sự khác biệt, cách làm khác biệt, hướng đến những ngành hàng và sản phẩm chưa ai từng làm.