Cuộc khảo sát được thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Đà Nẵng, Đắc Lắk, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp - những vùng kinh tế trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của hàng Việt Nam chất lượng cao. Hơn 15.500 hộ tiêu dùng trực tiếp, các cá nhân tiêu dùng và doanh nghiệp đã được tiến hành khảo sát tập trung tại các vùng nông thôn đối với tất các sản phẩm, hàng hóa thuộc 37 ngành, hàng; trong đó, chủ yếu là các ngành hàng tư liệu sản xuất.
Đóng gói sản phẩm bánh cookies tại Công ty Cổ phần Lai Phú (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Theo kết quả điều tra, đã có hơn 3.800 doanh nghiệp được người tiêu dùng Việt Nam nhắc tới; trong đó có 805 doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ bình chọn; 42 doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao trong suốt 21 năm liên tục và 144 doanh nghiệp đạt được danh hiệu này trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, trong năm 2016, cũng đã có 114 doanh nghiệp không đạt được danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và 59 doanh nghiệp đánh rớt danh hiệu này.
Nổi bật trong số những ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao phải kể tới ngành nước chấm gia vị, ngành thực phẩm khô và đồ ăn liền, ngành bánh kẹo, ngành vật liệu xây dựng (thiết bị vệ sinh, ốp lát) và ngành đồ uống không cồn.
Cũng tại hội thảo, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, qua 21 năm triển khai, chương trình bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao đã tạo được vị thế quan trọng đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhãn hiệu sản phẩm được chứng nhận; thương hiệu của doanh nghiệp được khẳng định phải được nhìn nhận qua thực tiễn thăm dò thị trường và việc ghi nhận khách quan của người tiêu dùng.
Bộ tiêu chí đánh giá hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới sự chuyên nghiệp hóa trong khâu quản lý sản xuất đến cung ứng, phát triển và quảng bá thương hiệu, đặc biệt là mở thêm cơ hội phát triển thị trường và hướng tới xuất khẩu.
Đánh giá tình hình chung về thị trường, về doanh nghiệp và tâm lý tiêu dùng, Chuyên gia thị trường Trương Cung Nghĩa, cho rằng, Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao đã được triển khai 21 năm và thu được nhiều thành công mang tính đột phá. Trong quá trình triển khai, chương trình cũng gặp phải nhiều thách thức, nhất là đối với việc làm thế nào để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Nghĩa, mức độ tập trung người tiêu dùng ở tất cả các kênh phân phối không còn sôi động như những năm trước. Kênh phân phối là chợ truyền thống đã giảm hẳn vị thế do hệ thống siêu thị đang ngày càng hút khách hơn. Trong khi đó, những kênh phân phối như cửa hàng chuyên, đại lý, tạp hóa... vẫn ổn định, do đem lại sự thuận tiện trong lựa chọn đối với người tiêu dùng.
Trong một chừng mực nhất định, người tiêu dùng Việt Nam vẫn quen kiểu mua sắm - giao dịch trực tiếp. Hệ thống phân phối online có khởi sắc nhưng chưa chiếm ưu thế. Người tiêu dùng chỉ tập trung mua online đối với những sản phẩm như thời trang, mỹ phẩm và hàng điện tử...
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức lớn trong hệ thống bán lẻ và ở ngay tại thị trường nội địa. Doanh nghiệp nào có hệ thống phân phối sâu rộng, chiếm ưu thế trên thương trường thì thường phải có tiềm lực về tài chính và quan tâm đến cách trưng bày điểm bán, bao bì đẹp, truyền thông nhiều và có dải sản phẩm rộng.
Còn người tiêu dùng thì tâm lý ngày càng e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc, nhất là với những sản phẩm thực phẩm, may mặc, nông sản tươi... Người tiêu dùng vẫn bị chi phối bởi quảng cáo. Mạng xã hội vẫn chưa phải kênh thông tin quan trọng, ảnh hưởng tới quyết định mua hàng, nhất là đối với khách hàng ở phân khúc bình dân và ở nông thôn.
Vấn đề hàng giả, hàng nhái và thực trạng "thực phẩm bẩn" vẫn đáng báo động, bởi lo ngại lớn nhất là chưa có nhiều sản phẩm sạch để thay thế trên thị trường.