Gặp ông Johnathan Hạnh Nguyễn,Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Imexpan Pacific (IPP) đúng dịp IPP kỷ niệm 30 năm thành lập, ông dẫn chúng tôi trở lại hành trình 30 năm về Việt Nam với những chặng đường đầy gian nan, thách thức nhưng cũng đầy tâm huyết với quê hương. Hành trình mở đường bay Theo gia đình định cư tại Philippines khi mới ngoài 20 tuổi, sang Mỹ học đại học về chuyên ngành Hàng không. Lần đầu tiên đưa vợ con trở về VN, ngồi trên máy bay nhìn xuống, thấy những mái nhà chỉ một màu xám, mái tôn gỉ sét, mái ngói bạc màu, lúc đó Johnathan Hạnh Nguyễn lóe lên ước mơ: “Phải làm cho những mái nhà tươi sáng lên’.
Cũng trong chuyến trở về, hai con ông mới 4 tuổi bị sốt xuất huyết và khi vào bệnh viện đã ở giai đoạn 3. Bác sĩ nói ở giai đoạn này 65% là không qua khỏi, trong khi ở Philippines khả năng qua khỏi rất cao vì có nhiều phương tiện và thuốc tốt. Gần như tuyệt vọng, bác sĩ khuyên ông mua một rổ chanh vắt nước lau cho hai đứa trẻ, nếu qua được 8 tiếng là hy vọng sống. Ơn trời, cả hai đứa con của ông đã qua được cơn bệnh nguy hiểm. Ông nghĩ: “Con mình may mắn qua khỏi, còn hàng triệu đứa trẻ mắc bệnh sẽ ra sao khi việc mở đường bay của VN ra nước ngoài còn hạn chế, việc giao thương trao đổi hàng hóa thuốc men còn quá khó khăn cách trở?”. Suy nghĩ đó đã trở thành động lực để ông ra Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, để trình bày ý tưởng mở đường bay ra Manila - Phillippines.
Năm 1985, sự kiện mở đường bay thẳng TP.HCM - Manila (Philippines) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhờ đường bay này, nhiều đoàn cán bộ đã được ra nước ngoài tìm hiểu thị trường, chuẩn bị cho những kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư cho thời kỳ đổi mới, mở cửa kinh tế sau này. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vào những năm đầu thập niên 1980 là Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cũng đã khẳng định Johnathan Hạnh Nguyễn có công lớn mở đường bay TP.HCM - Manila.
Hành trình giữ đường bay và kêu gọi đầu tưÍt ai biết, người mang lại sự mua bán nhộn nhịp cho Intershop vào những năm cuối thập niên 80 chính là Johnathanh Hạnh Nguyễn. Ông kể: “Mở đường bay đã khó, giữ đường bay càng khó hơn. Khi có các chuyến bay, nhận thấy cuộc sống người dân vẫn còn khó khăn, tôi nghĩ: Phải phát triển kinh doanh thương mại nên tôi đặt mua các mặt hàng thuốc tây, hàng tiêu dùng như dép lưới, đầu máy, ti vi, video, áo phông... đem về bán ở Intershop. Như vết dầu loang người dân trong nước kêu gọi thân nhân từ nước ngoài gửi tiền và hàng hóa về VN.
Để giữ đường bay có tính pháp lý hoạt động lâu dài, năm 1988, ông lại vận động lãnh đạo hai nước ký Hiệp định hàng không, đây là một thắng lợi về mặt pháp lý của Nhà nước nên một lần nữa, ông được các đồng chí lãnh đạo Nhà nước động viên, khen ngợi. Đến khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, nhận thấy cần phải có đầu tư từ nước ngoài nhưng thời điểm đó Việt Nam chỉ có Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, chưa có Bộ Kế hoạch Đầu tư và Luật Đầu tư cũng chưa có nên ông đã qua Thái Lan, Singapore, Philippines tìm các tài liệu về Luật Đầu tư để nghiên cứu, đóng góp cho các đồng chí trong Ủy ban sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam để cho ra đời Bộ Luật đầu tư.
Ông nhớ lại: “Để kêu gọi đầu tư và tạo niềm tin cho các công ty nước ngoài, tôi đã đầu tư 100 triệu USD vào 11 dự án như nhà máy ô tô, siêu thị, khách sạn, nhà máy song mây xuất khẩu, nhà máy dây khóa kéo, Nhà máy sơn Toa, bếp ga Ashahi..., chủ yếu tập trung vào các ngành nghề có nhiều lao động để giúp người dân có công ăn việc làm. Khi đường bay đã ổn định, Chủ tịch Hạ viện Philippines, ông Feliciano Belmonte rất vui và đã vinh danh đóng góp của tôi trong việc thắt chặt quan hệ ngoại giao giữaViệt Nam - Philippines”.
Hành trình “ông Vua hàng hiệu”Từng kinh doanh cửa hàng miễn thuế ở 4 quốc gia Đông Nam Á nhưng thời điểm năm 1992, 1993 thấy VN chưa có nhiều khách đi lại đường hàng không, nếu mở cửa hàng miễn thuế sẽ lỗ rất nặng nên ông không có ý định đầu tư vào thời điểm này. Song, do một doanh nhân Hong Kong hợp tác với một công ty dịch vụ hàng không kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài gặp trục trặc, ông ta lên báo chí nước ngoài tung tin xấu đúng thời điểm VN đang kêu gọi đầu tư nên ông Hạnh đã nhận nhiệm vụ gặp ông ta thương thảo, ký hợp đồng bàn giao giấy phép kinh doanh để tình hình bớt căng thẳng. Lúc đó ông Hạnh đã phải đồng ý trả hết số tiền hàng hóa của ông ta (kể cả nâng khống) với điều kiện ông ta phải đính chính trên báo chí về các thông tin đã phát biểu để lấy lại uy tín cho VN.
Sau khi nhận giấy phép kinh doanh cửa hàng miễn thuế, ông Hạnh tiếp tục hành trình đưa các thương hiệu lớn từ nước ngoài vào VN. Ông chia sẻ: “Với một đất nước mở cửa và sẽ nhiều khách nước ngoài đến làm ăn, du lịch thì nhu cầu giới thiệu, trưng bày sản phẩm của các hãng thời trang hàng hiệu đẳng cấp trên thế giới và các dịch vụ ẩm thực rất lớn, nếu không nói đó là nhu cầu tất yếu của một quốc gia phát triển. Vì vậy, thương hiệu đầu tiên tôi đưa vào VN và mở cửa hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất là cà phê Illy của Ý, sau đó là Donino's Pizza, Popeyes' s, Burger King, Dunkin's Donuts...”.
Để mang được các thương hiệu này vào VN cũng khá gian nan, vất vả. Bên cạnh đó, các thương hiệu đều có yêu cầu rất cao và tiêu chuẩn khe khắt, chi phí đầu tư cũng rất lớn. Chẳng hạn chi phí xây dựng trung tâm sản xuất và phân phối cho các thương hiệu thức ăn nhanh của IPP đã hết 20 triệu đô và còn phải tiếp tục bỏ ra 160 triệu đô nữa để tiếp tục đầu tư theo cam kết. Hoặc kinh doanh cửa hàng miễn thuế Nội Bài, ông Hạnh đã phải lỗ 15 năm. Mãi khoảng 8 năm nay ông tiết lộ đã có thu nhưng vẫn chưa đủ để bù chi phí đã đầu tư và cầm cự trong suốt 15 năm qua.
Sau khi mở cửa hàng cà phê Illy và hàng loạt các cửa hàng thức ăn nhanh..., cùng lúc nắm gần 70% các thương hiệu thời trang cao cấp như Burberry, Chanel, Zegna, Bvlgari, Cartier, Rolex, Salvatore Feragamo, Versace, Bally..., ông Hạnh được đặt cho biệt danh “ông Vua hàng hiệu”. “Có thể nói rằng, nếu không phải là tôi, thì khó có người nào có thể giành được hợp đồng phân phối độc quyền hay đại lý chính thức cho 48 thương hiệu hàng hiệu danh giá trên thế giới tại VN”, ông Hạnh tự hào.
Trong hành trình gắn với “hàng hiệu”, ngoài việc bỏ ra khá nhiều chi phí đầu tư vào các cửa hàng trưng bày hàng hiệu như tại KS Rex 40 triệu đô, Vincom A 20 triệu đô và để tiếp tục phải đầu tư 60 triệu đô nữa thì cái “được” lớn nhất của ông Hạnh là khi đầu tư vào dự án cải tạo Tràng Tiền. Với tổng chi phí cải tạo hơn 400 tỷ đồng, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và trưng bày hàng hóa của IPP tại TTTM này tương đương 3.000 tỷ đồng, nhưng Tràng Tiền đã làm cho bộ mặt thành phố đẹp hơn, chứng tỏ VN đã hội nhập, đặc biệt các đoàn khách chính trị gia, đoàn khách du lịch, các đoàn mệnh phụ phu nhân đến VN đều đến TTTM Tràng Tiền và đánh giá rất cao, không ngờ VN có TTTM hoành tráng như vậy.
Tuy hiện nay hàng hiệu phải đóng thuế cao, 30% thuế nhập khẩu, 10% thuế GTGT nhưng ông Hạnh tiết lộ: ‘Hôm nay đã sáng hơn hôm qua. Năm 2014, tăng trưởng hàng hiệu vẫn đạt mức gần 25% và dự tính trong năm sau sẽ đạt 50%. Mỗi năm, lĩnh vực này đã đóng góp hơn 40% trong tổng số tiền thuế IPP nộp cho Nhà nước, như năm 2014 là 400 tỷ đồng chỉ riêng cho mảng hàng hiệu. Về lĩnh vực kinh doanh fast food, cũng phát triển khá nhanh, trong vòng 2 năm chúng tôi đã có hơn 80 cửa hàng trên khắp cả nước, cuối năm 2015 chúng tôi sẽ đạt mốc 100 chuỗi cửa hàng.
Ở tuổi 65, những tưởng ông đã hết lửa kinh doanh nhưng ông lại mới đầu tư tiếp 500 triệu USD cho dự án giải trí tại Hà Nội và TP.HCM để thu hút khách du lịch và đang đề đạt nguyện vọng của ông về kế hoạch mua lại sân bay Phú Quốc hoặc nhượng quyền khai thác có điều kiện. Ông nói: “Tôi rất muốn trở thành nhà đầu tư để xây dựng các sân bay đạt chuẩn quốc tế thành một hệ thống đồng bộ. Sân bay không chỉ là cửa ngõ đón tiếp hành khách quốc tế mà còn là bộ mặt của đất nước, bạn bè thế giới nhìn vào đó để đánh giá tầm vóc, sự phát triển kinh tế của quốc gia đó.
Nhìn lại chặng đường ba mươi năm, với 248 huân chương, huy chương, bằng khen, trong đó có nhiều bằng khen của Tổng cục Thuế, Chi cục thuế..., ông nói: “Điều hãnh diện nhất là tôi đã thực hiện được ước mơ của mình với quê hương, đất nước, có được mối quan hệ vững chắc với đối tác, được Nhà nước tin tưởng, đặc biệt làm tròn nghĩa vụ đóng thuế của một doanh nghiệp ngay từ khi việc kinh doanh chưa có lãi.
LỮ Ý NHI