Tàu container đang được đóng tại xưởng đóng tàu của DSME tại Okpo, cách Busan 60km về phía nam. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hiện tập đoàn lớn này của Hàn Quốc đang đẩy mạnh rao bán tài sản không cốt lõi để giải quyết khủng hoảng tài chính của mình.
Gần đây, Daewoo đã ký một biên bản ghi nhớ về việc bán tòa nhà của mình ở Seoul với giá khoảng 35 tỷ won (30 triệu USD). Tập đoàn này cũng đang rao bán một trong các chi nhánh với giá khoảng 18 tỷ won (hơn 15 triệu USD). Một nguồn tin cho biết hai thương vụ này có thể sẽ được hoàn tất trong tháng 4. Đây là những nỗ lực mới nhất của Daewoo nhằm giải quyết tình trạng tài chính khó khăn hiện nay.
Trước đó, tháng 11/2015, các chủ nợ - do Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc đứng đầu - đã tung ra gói cứu trợ trị giá 4.200 tỷ won (3,6 tỷ USD) với hy vọng Daewoo sẽ thực hiện các đơn hàng trị giá 12 tỷ USD trong năm 2016. Tuy nhiên, mọi việc đã diễn ra không như dự đoán. Năm 2016, Daewoo chỉ nhận được đơn đặt hàng đóng tàu trị giá 1,55 tỷ USD, trong khi kế hoạch chuyển giao hai tàu khoan dầu trị giá 1.000 tỷ won (hơn 800 triệu USD) vào đầu năm đã bị hoãn lại do khó khăn tài chính của khách hàng. Hậu quả là tập đoàn đã không thể thu hồi 3.000 tỷ won (2,6 tỷ USD) tiền mặt trong năm 2016. Chính vì vậy, Daewoo đã buộc phải liên tiếp bán các tài sản không cốt lõi của mình để giải quyết tình trạng khó khăn tài chính. Đến nay, tập đoàn đã có thêm 1.600 tỷ won (1,4 tỷ USD) nhờ bán tài sản và cắt giảm nhân công.
Vấn đề khó khăn là vào tháng 4 tới, Daewoo sẽ phải trả số nợ 440 tỷ won (3 triệu USD). Tổng số nợ sẽ lên tới 940 tỷ won (820 triệu USD) trong năm nay và 550 tỷ won (479 triệu USD) vào năm tới. Theo kế hoạch, giới chức tài chính Hàn Quốc sẽ quyết định số phận của Daewoo trong tháng 3 này. Nhiều người tin rằng Daewoo sẽ được cứu bởi nếu không động thái này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Các chủ nợ của Daewoo cho biết đang cân nhắc tiếp tục giúp đỡ tập đoàn.