Khó khăn “bủa vây” ngành cá tra

Theo dự báo, năm 2013 là năm đầy khó khăn với ngành cá tra trong nước khi những khó khăn về việc giữ vững, mở rộng thị trường, nguồn vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng “bủa vây” người chăn nuôi và doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp tính đến chuyện nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất, thì người chăn nuôi trong nước phải tự “bơi”.

 

Bài 1: Khi người nuôi cá “treo” ao

 

Nghề nuôi cá tra hiện không còn là nghề “hái” ra tiền như các năm trước đây. Những ngày này trên khắp các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vốn được mệnh danh thủ phủ của ngành cá tra, nhà nông đang quay lưng với nghề nuôi cá tra, bởi càng nuôi càng lỗ.

 

Nuôi nhiều, lỗ nhiều


Chưa kịp hồi sức vì thua lỗ nặng trong năm 2012, chị Thủy ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) lại “sốc” nặng khi giá cá tra nguyên liệu đầu năm 2013 sụt giảm từ 500-700 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 12/2012. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Nếu tính đúng, tính đủ các khoản chi phí đầu tư thì người nông dân đang phải chịu lỗ nặng. Chị Thủy cho biết, gia đình chị mới bán khoảng 150 tấn cá tra và bị lỗ hơn 300 triệu đồng. Nguyên nhân là do giá cá xuất khẩu giảm, kéo theo giá thu mua nguyên liệu cá tra trong nước của các doanh nghiệp xuất khẩu giảm, tương ứng, từ mức 27.000 đồng/kg trong những tháng đầu năm 2012 xuống còn 22.000 đồng/kg vào giữa năm và hiện đang ở dưới mức 22.000 đồng/kg.


 

Giá cả bấp bênh, rất nhiều hộ nuôi cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tính đến chuyện bỏ nghề.

 

Tương tự, anh Hùng ở huyện An Phú (An Giang) nuôi hơn 1 ha cá tra và đang đến kì thu hoạch. Tính toán, ao cá nhà anh cho sản lượng khoảng 300 tấn. Theo anh Hùng, với mức giá bán như hiện nay, nguy cơ lỗ là điều khó tránh. “Hiện giá cá tra chỉ ở mức xấp xỉ 21.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành nuôi hiện nay trung bình từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, nên người nuôi cá như chúng tôi cầm chắc lỗ ít nhất là 3.000 đồng/kg. Chưa hết, do doanh nghiệp mua cá trả tiền chậm, gia đình tôi còn “gánh” thêm lãi suất của ngân hàng. Xong vụ này, tôi tính đến việc nghỉ nuôi, chuyển hướng sang việc làm khác” - anh Hùng than thở.


Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm về nuôi cá tra như Đồng Tháp, An Giang… đang dao động ở mức 21.500 - 22.500 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. “Do chi phí đầu vào như: thuốc thú y, thức ăn, hóa chất xử lý môi trường, nhân công… liên tục tăng đã kéo theo giá thành nuôi cá tra tăng tương ứng. Những tháng đầu năm 2013, nhu cầu thị trường tiêu thụ cá tra trên thế giới chưa khởi sắc, doanh nghiệp trong nước chưa tích cực thu mua nên giá cá tra lại tiếp tục giảm. Với giá cả bất lợi như trên, diện tích thả nuôi cá tra đầu năm 2013 có thể sẽ giảm mạnh” - VASEP nhận định.

 

Khó giữ ngôi


Khảo sát sơ bộ của ngành nông nghiệp, tỷ lệ hộ dân “đoạn tuyệt” với nghề nuôi cá tra đang gia tăng và diễn ra tại khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại tỉnh Đồng Tháp, trong tổng số hơn 1.600 ha ao nuôi cá tra sẽ có khoảng 30 - 40% được chuyển sang nuôi trồng các loại thủy sản khác hoặc bị bỏ trống. Còn tại An Giang, đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 50% số hộ nuôi cá tính đến chuyện “treo” ao hoặc thu gọn diện tích nuôi cá… “Nếu tình trạng này kéo dài, đến một thời điểm nào đó, cá tra Việt Nam sẽ khó giữ vị trí số một thế giới về sản xuất và xuất khẩu. Đã đến lúc người nuôi cá cần nhận được sự quan tâm cũng như sự hỗ trợ của ngành chức năng để họ chấm dứt tình trạng “tự bơi” như thời gian qua” - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP lo lắng.


Tính đến nay, tại các vùng trọng điểm nuôi cá tra, sản lượng cá đều giảm so với cùng kỳ năm 2012. Theo đó, cuối tháng 2/2013, tỉnh An Giang chỉ mới thu hoạch 18.000 tấn, giảm 30%; Cần Thơ 8.000 tấn, giảm 11%; Đồng Tháp hơn 20.000 tấn, giảm 5%... “Mục tiêu của ngành đến năm 2015 sản lượng nuôi cá tra nguyên liệu sẽ đạt từ 1,2-1,5 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 800.000 tấn, tiêu thụ nội địa 150.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2,25 tỷ USD, tạo việc làm cho 230.000 lao động… Các doanh nghiệp đang lo không biết “đào” đâu ra nguyên liệu phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng của ngành” - ông Hòe cho biết.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

 

Bài 2: Bất hợp lý trong chăn nuôi và xuất khẩu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN