Khó khăn khi tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tại hội thảo Tự chứng nhận Xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) ở Việt Nam diễn ra vào sáng ngày 26/11, tại TP Hồ Chí Minh.


Ông Vương Đức Anh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, cho biết đây là xu hướng tất yếu và bắt buộc trong đàm phán một số Hiệp định FTA, TTP, EU… bởi chương trình tự chứng nhận này góp phần làm giảm đáng kể các thủ tục hành chính hiện đang được áp dụng đối với quá trình xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực, giảm chi phí kinh doanh cả về thời gian và tiền bạc, tối đa hóa hiệu quả sự dụng nguồn nhân lực hạn chế của nhà nước.


Hội thảo Tự chứng nhận Xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) ở Việt Nam


Hiện nay, chương trình Tự chứng nhận Xuất xứ hàng hóa đang được thí điểm tại Asean, trong đó có Việt Nam. Đối tượng tham gia là các nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu đủ điều kiện. Theo lộ trình Asean, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ dự kiến được áp dụng rộng rãi vào năm 2015.


Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện thí điểm, việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Theo ông Vương Đức Anh, DN vẫn chưa nắm vững quy trình sản xuất và quy định về quy tắc xuất xứ; chưa có hệ thống lưu trữ chứng từ để đáp ứng yêu cầu xác minh thường xuyên và đột xuất…


Đồng tình quan điểm, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết việc áp dụng cơ chế tự Chứng nhận Xuất xứ hàng hóa sẽ đem lại nhiều thuận lợi để phát hiện ra gian lận về xuất xứ. Từ đó, cơ quan nhà nước chỉ việc truy cứu trách nhiệm của nhà nhập khẩu và truy thu từ họ. Thế nhưng, cơ chế này vẫn có những rủi ro vì vẫn có khả năng gian lận thương mại xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp qua Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi cũng như gian lận thương mại hàng nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam.


Các nguyên nhân dẫn đến gian lận thương mại thường là DN đã ký hợp đồng và cam kết với khách hàng cung cấp được C/O; các sản phẩm tạm nhập, tái xuất qua lãnh thổ Việt Nam để hợp thức hóa chứng từ. Đáng lo ngại, nguy cơ gian lận thường vào các sản phẩm mà các nước gần Việt Nam (chủ yếu là Trung Quốc) bị áp các biện pháp hạn chế nhập khẩu (hạn ngạch, thuế chống bán phá giá và các rào cản kỹ thuật khác) vào thị trường EU, Hoa Kỳ…., trong đó phần lớn là hàng nông sản.


Trước tình hình trên, Bộ Công thương khuyến nghị các cơ quan nhà nước cần xây dựng khung pháp lý cụ thể cho việc thực thi cơ chế này. Cụ thể đưa ra tiêu chí người sản xuất, người xuất khẩu được chứng nhận xuất xuất. Lưu ý, hạn chế không cho tự chứng nhận xuất xứ đối với mặt hàng nhạy cảm có nguy cơ gian lận thương mại như mặt hàng đang áp dụng các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, thuế chống bán phá giá, trợ cấp…


Ngoài ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề xuất nên xây dựng các chế tài xử phạt nặng như một số nước đã áp dụng: thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, phát tiền trị giá gấp 2, 3 lần trị giá lô hàng. Đồng thời, tập trung nguồn lực tăng cường công tác hậu kiểm các nhà xuất khẩu đủ điều kiện.



Bài, ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN