GS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những trụ cột để quyết định thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
´Có thể thấy ngành nông nghiệp trong năm qua đã có nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên vẫn còn không ít hạn chế và một trong những hạn chế đó là giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản chưa cao. Theo ông, ngành nông nghiệp cần làm gì để nông nghiệp có thể tái cấu trúc bền vững và thành công?
Nông nghiệp năm nay tiếp tục giành thắng lợi trên cả 3 mặt trận: sản xuất, sản lượng, xuất khẩu. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2011. Có thể nói, đây là con số rất ấn tượng trong điều kiện nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng, khó khăn về tài chính. Điều đó cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, kế hoạch rất cụ thể của Bộ và đặc biệt là sự nỗ lực của địa phương và nông dân. Tuy nhiên, những thành quả thể hiện qua con số mới chỉ thấy nhiều về số lượng mà chưa thấy thay đổi về mặt chất lượng và mặt giá trị, đặc biệt là giá trị gia tăng. Muốn nâng cao chất lượng, rõ ràng phải có tái cơ cấu sản xuất một cách triệt để. Việc cơ cấu lại sản xuất lúa theo hướng tăng tỷ lệ các giống chất lượng cao hơn có thể gây ảnh hưởng đến số lượng xuất khẩu nhưng chúng ta cần phải hướng đến những giá trị về mặt xuất khẩu.
Những chính sách mà Bộ NN&PTNT đang triển khai rất đúng hướng theo hướng tái cơ cấu để tăng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất những ngành hàng chủ lực có hướng đến xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Chúng ta cũng đang có những chính sách để nông dân có thể đầu tư sản xuất quy mô lớn hơn, đẩy mạnh cơ giới hóa giảm chi phí lao động.
´Khoa học công nghệ có vai trò như thế nào trong hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thưa ông?
Động lực để ngành nông nghiệp tăng sản lượng thời gian qua dựa vào tăng diện tích, lao động rẻ. Nhưng trong tương lai, những lợi thế đó sẽ không còn nữa. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi không còn khả năng tăng năng suất thì ngành nông nghiệp phải quan tâm hơn về nâng cao về chất lượng thông qua áp dụng về KHCN.
Giai đoạn tới, KHCN sẽ góp phần đưa những bộ giống cây trồng, vật nuôi mới có khả năng cạnh tranh cao hơn theo ba hướng: năng suất, chất lượng và thích ứng với những biến đổi khí hậu.
KHCN cũng sẽ tham gia để giảm tổn thất sau thu hoạch. Mỗi năm ta tổn thất 12 - 14% trong sản xuất lương thực, đặc biệt là sản xuất lúa. Cứ sản xuất 42 triệu tấn thóc thì đã bị tổn thất khoảng 4,5 triệu tấn. Đây là một con số vô cùng lớn. Chưa kể, nếu hệ thống kho, sấy không tốt còn bị tổn thất về mặt chất lượng, tỷ lệ gạo mối mọt, gẫy… tăng lên. KHCN cũng phải tham gia vào quá trình để xác định các vùng thích ứng với từng sản phẩm nông sản, đặc biệt là tăng cường sản phẩm đặc sản, bảo hộ tên gọi, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể. Chúng ta phải cạnh tranh bằng những sản phẩm thế giới không có. Đồng thời, phải xác định được những bộ chỉ tiêu về chất lượng để đăng ký với thị trường thế giới nhằm quảng bá sản phẩm của mình. Nhà nước cũng phải giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu.
Xin cảm ơn ông!