Cụ thể, tại khoản 3 điều 8 Nghị định 20 khống chế tỷ lệ lãi vay. Theo đó, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Bản chất của vấn đề là liên quan đến câu chuyện vốn khi thực hiện áp trần lãi vay đối với doanh nghiệp. Trên thực tế, các doanh nghiệp luôn “đói” vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, từ nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp cho đến các tổng công ty, tập đoàn lớn hoạt động dưới mô hình liên kết theo hình thức mẹ - con.
Bà Đinh Mai Hạnh – Phó Giám đốc Tư vấn thuế Công ty Deloitte Việt Nam nhận xét, thực tiễn áp dụng hơn 1 năm qua cho thấy, Nghị định 20 có tác động rất lớn đến các tập đoàn trong nước (cả nhà nước và tư nhân) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản, điện, than, xi măng…
Trên thực tế, với mô hình công ty mẹ - con, việc công ty mẹ chuyên thực hiện chức năng quản lý vốn tập trung của tập đoàn đang trở nên phổ biến. Để thực hiện các dự án cần tiếp cận nguồn vốn lớn, nhưng các công ty thành viên của các tập đoàn trong nước thường không đủ năng lực để vay vốn từ ngân hàng thương mại.
Do đó, các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện huy động vốn tập trung tại công ty mẹ để chuyển vốn cho công ty con, đơn vị thành viên. Việc huy động vốn tập trung cũng thường có mức lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động – bà Hạnh phân tích.
Bởi vậy, nếu khống chế tổng chi phí lãi vay sẽ tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ giữa tập đoàn cũng như cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn; làm phát sinh thêm chi phí do đánh thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh.
Như vậy, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ, theo quy định của Luật Đầu tư, vốn đầu tư của một dự án bao gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động. Tại Quy định Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai cũng chỉ rõ, doanh nghiệp bất động sản có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.
Doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, đối với một dự án đầu tư có sử dụng đất, ngoài vốn tự có, doanh nghiệp có quyền vay hoặc thực hiện các hình thức huy động vốn khác để triển khai dự án với tỷ lệ từ 80 đến 85%.
Khi ấy, chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận tại các doanh nghiệp bất động sản hầu hết cao hơn tỷ lệ chi phí lãi vay theo Nghị định 20. Nếu áp dụng quy định của Nghị định này, doanh nghiệp bất động sản khó triển khai dự án quy mô lớn – vị này đưa ra dẫn chứng.
Mặc dù quy định của Nghị định 20 nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác ở nước ngoài (cùng một Tập đoàn đa quốc gia) nơi có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp, nhưng khi áp dụng lại khiến không ít doanh nghiệp Việt gặp khó.
Một số doanh nghiệp nội địa cho rằng, họ có công ty liên kết đều hoạt động ở Việt Nam và cùng chịu một mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tổng công ty cổ phần Lắp máy Việt Nam (Lilama) cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính phản ánh về việc khi áp dụng quy định khống chế trần lãi vay được khấu trừ khi tính thuế thu nhập không vượt 20% đã tác động lớn, tiêu cực đến kết quả kinh doanh của đơn vị. Lilama khẳng định quy định đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có quan hệ liên kết và không liên kết.
Theo Lilama, Tổng công này hiện tổng thầu EPC của nhiều dự án trọng điểm, song vốn chủ sở hữu nhỏ chưa tương ứng với quy mô hoạt động. Cho dù doanh thu năm 2017 của Công ty mẹ Lilama lên mức gần 16 nghìn tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu của đơn vị cũng chỉ khoảng 923 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để thực hiện các dự án quy mô vừa và lớn, Lilama phải huy động lượng vốn vay lớn từ các tổ chức tín dụng dẫn đến chi phí lãi vay cao, vượt xa mức trần theo quy định của Nghị định 20.
Lilama hoạt động theo mô hình mẹ - con để hỗ trợ nhau thực hiện các công trình lớn. Bản chất các giao dịch chỉ nhằm mục đích tăng năng lực cạnh tranh, tập trung chuyên môn hoá cho từng đơn vị trong Tổng công ty. Nếu tránh quy định về mức trần chi phí lãi vay, tránh không có các giao dịch liên kết, Lilama sẽ buộc phải thuê nhà thầu bên ngoài. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh, không định hướng được chiến lược phát triển. Thậm chí, một số công ty giảm việc làm và dẫn tới nguy cơ phá sản - Lilama khẳng định.
Chung cảnh ngộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng gặp rất nhiều vướng mắc, thậm chí thiệt hại khi áp dụng Nghị định 20. Giai đoạn sắp tới, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao khiến việc đầu tư các dự án điện mới của EVN rất lớn. Tuy nhiên, vốn tự có của doanh nghiệp không đủ đáp ứng được nhu cầu đầu tư nên EVN và các thành viên vẫn phải huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước.
Cùng với đó là các Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Nhiệt điện Quảng Ninh… cũng gặp khó khăn tương tự.
Bàn về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, trong mọi trường hợp, áp trần lãi suất cho vay phải chịu thuế từ mốc tỷ lệ 20% nhằm đặt ra giới hạn mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Ví như công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con ở Việt Nam vay vốn tính lãi suất cao, dẫn đến công ty ở Việt Nam bị giảm thu nhập nên không phải nộp hoặc nộp thuế quá thấp.
Còn trên thực tế, không nên áp đặt quy định này đối với trường hợp các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết nếu như họ không có mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế - Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.