Từ vụ nuôi tôm này, có nhiều hồ nuôi tôm ở huyện Phong Điền (tỉnh
Thừa Thiên - Huế) trơ đáy, hỏi ra mới biết đây là chủ trương cấm nuôi
của UBND huyện. Thống kê có khoảng 140 ha diện tích nằm trong diện cấm
nuôi; trong đó, nhiều nhất ở xã Điền Hương 55 ha, Phong Hải hơn 40ha,
Điền Hòa 25 ha…Nguyên nhân chính dẫn đến sự việc nêu trên là do ô nhiễm
nguồn nước, dịch bệnh lây lan trong vòng 2 năm trở lại đây làm cho
người nuôi tôm điêu đứng.
Nuôi tôm trên cát ở huyện Phong
Điền trong những năm trở lại đây đã phát triển nhanh chóng, nhưng
việc đầu tư hạ tầng không theo kịp so với yêu cầu. Để làm hồ nuôi tôm,
người nuôi chỉ khoanh vùng, đào ao, phủ lớp bạt xuống đáy sau đó bơm
nước mặn lên. Tất cả các hồ nuôi đều không có hệ thống xử lý nước thải;
thậm chí thức ăn thừa không phân huỷ để thẩm thấu qua đất được, đọng
lại ở tầng đáy. Việc nuôi này chỉ mang lại hiệu quả ở vài vụ đầu do chi
phí đầu tư thấp, nhưng càng về sau thì môi trường nuôi càng bị ảnh
hưởng nặng. Chỉ riêng tại xã Phong Hải, doanh thu thả nuôi bình quân
hàng năm của vụ đông này có thể xấp xỉ 100 tỷ đồng, điều đó đồng nghĩa
với việc nếu không được thả nuôi trong vụ này thì người dân nuôi tôm có
thể bị mất tất cả nguồn thu đó.
Theo ông Nguyễn Viết Từ, chủ
tịch UBND xã Phong Hải: không giống như các địa bàn khác, tỷ
lệ nhóm hộ nuôi ở đây chiếm đến 90%; do vậy, hầu hết các diện tích đã
được sử dụng vào việc làm hồ nuôi, trong khi đó, các kết cấu hạ tầng
đảm bảo khác cho việc nuôi tôm hầu như vẫn chưa được đầu tư thích đáng
- đó là bất cập lớn trong việc nuôi tôm ở đây hiện nay. Một số nơi lại
xây dựng ao thải không hợp lý do độ cao của ao thải cao hơn so với khu
nuôi, nước không xả thải được.
Để sớm tháo gỡ khó khăn
cho người dân nuôi tôm trên cát Phong Điền, các địa phương
cần triển khai chủ trương bắt buộc phải có ao thải trong khu nuôi (ít
nhất là với tỉ lệ 10% diện tích ao thải trong khu nuôi). Bên cạnh đó,
việc phát triển các khu nuôi trồng phải tuân thủ theo quy hoạch, thay
vì nuôi tôm tự phát ồ ạt như hiện nay, gây thiệt hại cho người nuôi.
Được biết, vùng nuôi tôm trên cát huyện Phong Điền hiện có khoảng hơn
250 ha; và có thể mở rộng thêm 760 ha trong giai đoạn từ nay đến 2015.
Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển vùng nuôi trồng
thủy sản trên cát huyện Phong Điền đang là yêu cầu bức thiết, nếu không
muốn diện tích đất cát tiếp tục bị bỏ hoang phí như hiện nay...
Quốc Việt