Lấy lịch sử làm nền tảng để giáo dục
Trong rất nhiều câu chuyện kể về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quóc gia Hồ Chí Minh) có nhắc tới một câu chuyện mà ở đó hình ảnh "Vị Tướng của lòng dân" đã có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, lối suy nghĩ và hành động của một bộ phận đông đảo người dân, của doanh nhân, đến chiều hướng phát triển của đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà kể lại: Cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc kéo dài 30 năm (1945-1975) kết thúc thắng lợi. Năm 1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển công tác ra khỏi Quân đội, tiếp tục đảm đương chức vụ Phó Thủ tướng (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), phụ trách khoa học, kỹ thuật. Trên cương vị mới, ông tiếp tục có những đóng góp quan trọng, chỉ đạo công tác khoa học, kỹ thuật phát triển trong bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn sau chiến tranh. Ông đã chỉ đạo xây dựng chiến lược biển Việt Nam; quan tâm đến vấn đề cải tạo và bảo vệ môi trường, trồng cây, gây rừng...
Liên quan đến mối quan tâm của Đại tướng gắn sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ câu chuyện về một người làm doanh nghiệp. Anh tên là Phạm Hồng Điệp, người Hải Phòng (hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec). Năm 2008, khi bắt tay xây dựng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, anh Điệp chủ trương phải gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Anh đã gửi đề án về vấn đề trên tham gia cuộc thi về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức và đạt giải nhất. Biết được thông tin trên, Đại tướng viết thư động viên và mời anh lên Hà Nội gặp. Cuộc gặp, trò chuyện kéo dài tới gần 2 giờ đồng hồ, vượt quá nhiều lần thời gian các cuộc tiếp khách khác của Đại tướng, thường chỉ chừng 15 phút để giữ sức khoẻ. Đại tướng đánh giá cao ý tưởng và động viên anh Điệp cùng các đồng sự tiếp tục đi tiên phong trong hướng đi này.
Đến năm 2010, mặc dù lúc này đã 99 tuổi, Đại tướng vẫn quan tâm theo dõi và gửi thư động viên, đồng thời tặng cho anh Điệp một cây đa trồng trong vườn nhà. Sau 11 năm, cây đa vẫn phát triển xanh tốt tại Khu công nghiệp. Để tỏ lòng tri ân và ngưỡng mộ vị tướng huyền thoại, doanh nhân Phạm Hồng Điệp quyết định xây dựng Vườn Kỷ vật, Đền thờ Đại tướng; trân trọng khắc đá bức thư của Đại tướng; phát động trồng 1 triệu cây xanh trong Khu công nghiệp.
Năm 2021, nhân kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 110 năm Ngày sinh của Đại tướng và 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, doanh nhân Phạm Hồng Điệp cùng các cộng sự quyết định cấy ghép gốc đa của Đại tướng tặng với 37 cây đa khác với ý tưởng ghi nhớ sự kiện Ông được phong cấp hàm Đại tướng năm 37 tuổi.
Điều đặc biệt nữa là 37 cây đa nói trên được trồng trong khuôn viên diện tích 1.300 mét vuông, đó cũng là sa hình Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi tên tuổi của Đại tướng đã trở thành huyền thoại. Trong sa hình này có đủ các vị trí, địa danh quan trọng của trận Điện Biên Phủ như: Sở chỉ huy chiến dịch, vị trí đóng quân của các đơn vị quân ta từ cấp trung đoàn trở lên, trận địa pháo mặt đất, pháo phòng không, sông Nậm Rốm, cầu Mường Thanh; phía Pháp có hầm chỉ huy của tướng De Castries, các sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm, các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, A1, C1, C2, đồi D, đồi E…, bản đồ chiến dịch, bức phù điêu ảnh Đại tướng sau chiến thắng. Tất cả đều được sử dụng chất liệu đá để bảo tồn lâu dài.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã thực hiện sự kết hợp "3 trong 1" tại Khu công nghiệp, đó là gắn sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường và lấy lịch sử làm nền tảng để giáo dục, tuyên truyền ý thức cộng đồng. Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (do Công ty Cổ phần Shinec làm chủ dự án) trải dài trên địa bàn 4 xã (Kiền Bái, Thiên Hương, Lâm Động, Hoàng Động) thuộc huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Đây là Khu công nghiệp sinh thái đầu tiên trong cả nước làm theo chỉ dẫn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách thành công.
Kiên tâm "chống dịch như chống giặc"
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec Phạm Hồng Điệp tâm sự: Tài năng, đạo đức, tác phong của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày trở thành hình mẫu cho mọi tầng lớp nhân dân học tập, noi theo... Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã ra đời từ những trăn trở, sự cần mẫn kiếm tìm, trải nghiệm và khát vọng xanh, theo lời căn dặn của Đại tướng.
Đặc biệt là lúc này, Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 theo tinh thần "chống dịch như chống giặc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết và cả sẻ chia của toàn dân trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch. Toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền luôn cùng nhau sát cánh, đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo anh Phạm Hồng Điệp, làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, đó là trở ngại khi tiếp xúc, tiếp cận khách hàng cũ và khó khăn trong tìm kiếm khách hàng mới. Đó còn là chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong quản trị lao động...
Từ thực tế này, Ban lãnh đạo Khu công nghiệp đã đồng hành cùng hơn 60 doanh nghiệp, lấy con người làm trọng tâm, làm tốt khâu hậu cần, thống nhất và hướng tất cả các giá trị văn hóa của cộng đồng doanh nghiệp để cùng kiến tạo văn hóa chung là an toàn và an tâm. Đây là cách giúp toàn bộ doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tiếp tục duy trì sản xuất an toàn, không bị gián đoạn, đảm bảo tiêu chí sức khỏe, ổn định đời sống và thu nhập cho công nhân.
Ông Đặng Việt Bách, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Luyện thép cao cấp Việt Nhật cho biết, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cùng các doanh nghiệp đã thành lập tổ công tác phòng, chống dịch và lập kế hoạch, diễn tập "3 tại chỗ", lập các chốt kiểm soát xe ra vào Khu công nghiệp. Tại mỗi doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đều nhất trí, nghiêm túc chấp hành các quy tắc chung, đảm bảo thực hiện tốt Thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Chủ đầu tư Khu công nghiệp và các doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại nơi làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp; thực hiện khử trùng, sát khuẩn toàn bộ các nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp. Công ty Cổ phần Luyện thép cao cấp Việt Nhật là một trong ba doanh nghiệp trong Khu công nghiệp được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chọn thí điểm đầu tiên tổ chức diễn tập phòng, chống COVID-19 theo mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến".
Theo anh Phạm Hồng Điệp, người lãnh đạo kiên tâm xác định đưa doanh nghiệp cùng nâng cao tinh thần chống dịch cần chủ động chuyển trạng thái theo tinh thần "chống dịch như chống giặc"; đề cao tính kỷ luật sắt trong mọi hành động là yếu tố quyết thắng. Đối với các doanh nghiệp "đầu tàu" như các doanh nghiệp chủ đầu tư hoặc mô hình tập đoàn cần nâng cao tính chia sẻ, xây dựng mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp với nhau, cùng đất nước vượt qua đại dịch.