Mùa xuân đến sớm trên khu công nghiệp Đồng Nai

Cuối năm chúng tôi về Đồng Nai, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) đang chạy nước rút để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu mà không doanh nghiệp nào không bị ảnh hưởng. Các KCN Đồng Nai là điểm sáng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và theo các nhà phân tích kinh tế vĩ mô cho biết, trong khó khăn Đồng Nai sẽ về đích sớm hơn dự kiến, trở thành một trong những tỉnh công nghiệp đầu tiên trước năm 2020.

 

Với 31 KCN đã được quy hoạch, trong đó 26 KCN đi vào hoạt động. Việc phát triển nhanh các KCN đã góp phần quan trọng giúp cho GDP của tỉnh luôn ở mức tăng trưởng cao nhưng cũng để lại không ít hệ lụy về môi trường và xã hội. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành đánh giá xếp hạng KCN theo hướng công nghệ cao thân thiện với môi trường.

 

Vị thế mở đầu khu công nghiệp


KCN Biên Hòa được hình thành rất sớm có thể nói là KCN đầu tiên của Việt Nam. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 31 KCN, thu hút trên 1.100 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 14,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 410.000 lao động. Việc chỉ có 10 trên tổng số 31 KCN tham gia đánh giá xếp hạng, chưa phản ánh hết được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của hoạt động này. Hiện Đồng Nai có 6 KCN được UBND tỉnh công nhận xếp hạng 1 là các KCN: Amata, Biên Hòa II, Loteco, Tam Phước, Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 3, 1 KCN được xếp hạng 2 là KCN Gò Dầu. Trong tháng 12 tới, Hội đồng thẩm định đánh giá các KCN sẽ tiếp tục xem xét xếp hạng cho thêm 3 KCN nữa, gồm: KCN Long Thành, Bàu Xéo và Hố Nai. Việc xếp hạng KCN không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được hoạt động của các KCN mà còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp đang đầu tư tại KCN đó. Có 6 tiêu chí chính để đánh giá tổng quát và toàn diện về hoạt động của KCN, gồm: Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN; Mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng; Công tác bảo vệ môi trường; Các dịch vụ hỗ trợ của công ty hạ tầng; Hạ tầng xã hội liền kề phục vụ KCN và cuối cùng là hiệu quả hoạt động của các công ty kinh doanh hạ tầng. Việc xếp hạng này sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động để thu hút đầu tư theo định hướng công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao thân thiện với môi trường.

 

Khu công nghiệp AMATA (Đồng Nai), một khu công nghiệp đang chuyển dần sang thân thiện với môi trường. Ảnh: Lê Công Hoàng Hải


Chúng tôi gặp bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, người đã từng gắn bó và chia sẻ với các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư cho biết: Do năm 2012 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới tác động đến trong nước nên khó lường trước khả năng thu hút đầu tư vào các KCN Đồng Nai. Để đồng hành cùng doanh nghiệp cùng nhà đầu tư, khi các lĩnh vực đã đầu tư bị đông nghẽn mạch.

 

Chủ trương của tỉnh là tập trung kêu gọi đầu tư sản xuất công nghiệp gia công chế biến sang lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực này thường dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không lớn nên rất thuận lợi cho các nhà đầu tư vừa và nhỏ. Song song theo đó tỉnh chủ trương tập trung ưu tiên thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ (sản xuất chi tiết máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu) để thay thế hàng nhập khẩu góp phần ổn định sản xuất trong nước. Đặc biệt là hướng cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp xanh, sạch, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.


Không dừng lại ở lĩnh vực công nghiệp, tỉnh còn ban hành các chính sách ưu tiên để thu hút các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, công nghệ sinh học và dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn an toàn.Thu hút đầu tư có chọn lọc, hạn chế các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn đến môi trường. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ theo quy trình một cửa, một cửa liên thông. Theo dõi, nắm sát tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu để có giải pháp thích hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

 

Ngọn cờ phát triển khu công nghiệp


Cũng theo bà Bồ Ngọc Thu, tính đến nay, các KCN Đồng Nai đã có gần 1.100 dự án còn hiệu lực hoạt động, trong đó có hơn 830 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thuộc 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn đầu tư của các dự án trong nước tại 30 KCN hiện đã đạt hơn 32,8 ngàn tỷ đồng, vốn đầu tư các dự án FDI đã giải ngân đạt 13,9 tỷ USD.

 

Ban quản lý các KCN Đồng Nai, cũng cho chúng tôi biết: Tính đến giữa tháng 11/2012, diện tích đất cho thuê của 31 KCN trong toàn tỉnh là trên 4 ngàn ha, đạt tỷ lệ hơn 62% diện tích đất công nghiệp dành cho thuê. Trong đó, có 12 KCN đã cho thuê 100% diện tích; 12 KCN cho thuê khoảng 60% diện tích và 7 KCN đang trong giai đoạn hoàn tất đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, thời gian qua, các KCN lấp đầy được chủ yếu vẫn tập trung ở những nơi gần với các đô thị, thuận lợi về giao thông…

 

Được biết, đến nay các đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN tại Đồng Nai đã đầu tư trên 80 triệu USD và hơn 4 ngàn tỷ đồng vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhằm thu hút nhà đầu tư. Riêng các KCN miền núi, xa xôi đang gọi vốn đầu tư dù giá thuê đất đã được hạ xuống rất rẻ nhưng chưa khởi sắc được do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hiện các KCN này vẫn còn hơn 2,4 ngàn ha đất đang gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: Những dự án FDI mới thu hút trong năm 2012 đa số là dự án sản xuất thuộc các ngành cơ khí, lắp ráp linh kiện điện tử, thiết bị vệ tinh, thực phẩm… Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được 2 dự án công nghệ cao là dự án của Công ty TNHH Belmont Manufacturing chuyên sản xuất thiết bị nha khoa, máy móc, thiết bị y tế và dự án của Công ty TNHH Maspro Việt Nam chuyên sản xuất các thiết bị thu tín hiệu truyền hình vệ tinh, thiết bị truyền hình cáp, thiết bị an ninh và giám sát…

 

Hiện tại, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thì vốn FDI của Đồng Nai đang chiếm 1/8 tổng lượng vốn FDI và đang đứng thứ 3 cả nước về lượng vốn đăng ký, sau Hải Phòng và Bình Dương. Theo dự đoán của Ban quản lý các KCN Đồng Nai, khả năng trong năm 2012, thu hút vốn FDI của Đồng Nai sẽ đạt khoảng trên 1,2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 943 triệu USD của năm 2011, cho dù nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa khởi sắc.

 

Nhưng đạt được kết quả trên nhờ Ban quản lý các KCN tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để rà soát công tác một cửa nhằm tạo môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư; giúp giải quyết nhanh việc cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp. Có những dự án được cấp phép chỉ trong 24 giờ. Đến nay, Ban quản lý các KCN đã áp dụng cơ chế một cửa liên thông với Cục Thuế, Công an tỉnh trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư kèm mã số thuế và con dấu.

 

Nội địa hóa sản phẩm công nghiệp


Điểm sáng đáng ghi nhận là thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 1,1 tỷ USD, vượt 18% so với kế hoạch cả năm và tăng gần 46% so với cùng kỳ lũy kế, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn đã có hơn 1.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn trên 22,6 tỷ USD. Đồng Nai đã có sự thay đổi trong cơ cấu các ngành nghề kêu gọi đầu tư. Tỉnh sẽ không đặt mục tiêu kêu gọi các dự án có vốn lớn nhằm “lấp đầy” các KCN mà chú trọng vào chất lượng dự án, ưu tiên các ngành nghề thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật cao, điện - điện tử, công nghiệp hỗ trợ…

 

Đồng Nai đang chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tạo cấu trúc nền tảng bền vững cho các ngành công nghiệp khác phát triển và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, nội địa hóa hàng công nghiệp tại VN. Đồng Nai đang là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, với tỷ trọng GDP hàng năm chiếm trên 57%. CNHT đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của công nghiệp sản xuất lắp ráp, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH theo hướng vừa mở rộng vừa phát triển theo chiều sâu. Tuy nhiên, những năm qua Đồng Nai chỉ có 3 ngành công nghiệp chủ yếu có khả năng thúc đẩy và kéo theo các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đó là: cơ khí, điện - điện tử và dệt may - giày dép. Được biết có khoảng 600 doanh nghiệp đang tham gia theo hướng sản xuất công nghiệp hỗ trợ để góp phần nội địa hóa hàng công nghiệp.


Dù ngành công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, nhưng ngành CNHT phát triển chưa tương xứng nên chưa tạo được động lực để phát triển công nghiệp theo chiều sâu. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được một số dự án đầu tư sản xuất các chi tiết linh kiện máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu như: sản xuất nút áo, đế giày, vải sợi... nhưng mức độ đầu tư còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu, ngoài ra do chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi nên không khuyến khích được nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực này.

 

CNHT chậm phát triển dẫn đến tình trạng nhập siêu và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài làm cho giá thành sản phẩm cao và thiếu ổn định trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trong nhiều năm qua, mức nhập siêu ở Ðồng Nai luôn ở mức cao hơn một tỷ USD, riêng năm 2011 nhập siêu tới 1,278 tỷ USD. Nguyên nhân là DN chưa chủ động trong tìm kiếm thương mại, thiếu sự phối hợp liên kết giữa nhà sản xuất và nhà cung ứng. Ngoài ra, chính sách của Nhà nước đối với việc phát triển CNHT vẫn còn nhiều bất cập, chưa đủ sức khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư.


Theo các chuyên gia kinh tế nhận định: Tỉnh Đồng Nai phát huy thành tựu của tỉnh hình thành KCN sớm nhất VN; phát hiện những hạn chế và thách thức như: nội địa hóa hàng công nghiệp, về công nghệ cao thân thiện với môi trường và cải cách hành chính thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước…, tỉnh Đồng Nai sẽ đưa tỷ trọng giá trị công nghiệp trong nền kinh tế ngày càng cao và trở thành tỉnh CNH, HĐH đầu tiên trong vùng động lực kinh tế phía Nam trước năm 2020.

 


Trần Quốc Thái - Lê Tấn Hiền 

Không có chuyện hàng trăm hộ nuôi bò ở Đồng Nai bị đẩy vào thế điêu đứng

Trước một số thông tin cho rằng, các cấp chính quyền của tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai - Dofico đã làm trái quy định như: “ Tổ chức “cướp” DN? Vết “nhơ” trong việc thu hút FDI; “Phớt lờ” chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ?...”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN