Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, khi góp ý cho dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian qua có tình trạng lợi dụng chủ trương các địa phương trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư nên nhiều doanh nghiệp đã chơi bài “tay không bắt giặc”.Trải thảm đỏ mời gọi doanh nghiệp đầu tư tràn lan dẫn tới nhiều khu công nghiệp không phát huy hiệu quả. |
Trăm hoa đua nởÔng Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết: Hiện nay có một thực tế là khi thu hút đầu tư, tỉnh nào cũng trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư, có chính sách miễn giảm thuế và nhiều chính sách ưu đãi khác cho doanh nghiệp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có hiệu lực từ 1/1/2014, nêu: Đối với các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao, mức thuế suất thuế TNDN là 10% áp dụng trong 15 năm, sau đó là 20% cho các năm tiếp theo; Dự án được miễn thuế TNDN trong vòng bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong chín năm tiếp theo. Đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm áp dụng thuế suất 20%...
Vậy là sau khi doanh nghiệp được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động, chính quyền địa phương chỉ thu ở doanh nghiệp hai khoản là phí sử dụng đất và phí môi trường. Khi doanh nghiệp đã hết 7 năm ưu đãi của Luật thuế, lợi nhuận thu được từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của địa phương không đáng kể. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Như vậy đặt vấn đề ngược trở lại là một vài năm sau khi đầu tư, hiệu quả của dự án ấy tác động đến kinh tế xã hội địa phương thấp, không tạo được cú hích tương đương với ưu đãi của địa phương đã dành cho, vậy lấy gì đảm bảo kinh tế - xã hội địa phương đó phát triển.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, các địa phương miền núi thường là những tỉnh nghèo, đặc biệt là những tỉnh thu chưa đủ chi, phải dựa vào ngân sách nhà nước thì có trải thảm đỏ cũng không có nhiều doanh nghiệp tìm đến đầu tư. Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Theo Điều 33 của Hiến pháp qui định là doanh nghiệp và công dân được quyền làm những điều mà pháp luật không cấm. “Vậy những vấn đề gì ưu đãi của địa phương phải quy định vào trong luật. Ví như ở tỉnh miền núi, những dịch vụ hoạt động văn hóa như karaoke đâu phải ngành đặc biệt mà chúng ta ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp?”.
Ông Trần Khắc Tâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Việc thu hút đầu tư mà không xem xét, không kiểm soát chặt chẽ thì gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư. Chính quyền các địa phương luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm cơ hội đầu tư, nhưng nếu tình trạng trải thảm kêu gọi cả những doanh nghiệp “cò con” không kiểm soát được thì sẽ gây hậu quả phá vỡ quy hoạch. Như vậy, trách nhiệm chính trước hết thuộc về địa phương, ủy ban nhân dân các địa phương và các cơ quan chủ quản. “Nên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm, cứ tràn lan kêu gọi đầu tư, mời doanh nghiệp vào các khu công nghiệp, một thời gian sau doanh nghiệp chết yểu lại để đất hoang, tôi thấy không hiệu quả. Chúng ta nên rà soát lại điều này”, ông Tâm kiến nghị.
“Tay không bắt giặc”Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và quyền tiếp cận quốc tế là việc nên làm, nhưng doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội trong hoạt động của mình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nếu chúng ta không quản lý tốt dòng ngoại tệ, thì dòng vốn đó lại “chảy” ra nước ngoài. Ví như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lúc đầu khởi nghiệp đi lên từ bất động sản và đầu tư thủy điện ở Việt Nam, đến khi “đủ lông, đủ cánh”, có nguồn vốn lớn thì lại rút vốn chuyển sang đầu tư tại Lào, Mianma. “Như vậy, trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đối với đất nước, đối với cơ sở đầu tiên khi doanh nghiệp lập nghiệp như thế nào.
Đặc biệt đồng tiền của chúng ta là Việt Nam đồng, doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài buộc phải đổi sang ngoại tệ, lấy vốn đó đầu tư ra nước ngoài, tạo việc làm ở nước ngoài. Tất nhiên, đứng về mặt lợi ích của doanh nghiệp là chính đáng, nhưng đứng về mặt trách nhiệm xã hội và cân đối vĩ mô của đất nước thì đây là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu, thảo luận để làm sao chúng ta vừa tạo được hoạt động cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường, nhưng đồng thời hạn chế những tác động xấu trong kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: “Trước đây có tình trạng chạy được dự án xong để đó. Sau đó có hai hình thức. Một là chờ cơ hội làm, hai là nếu tìm được đối tác khác thì “sang tay” ăn hoa hồng. Sau khi tổng kết đánh giá cho thấy rất lãng phí, nhiều dự án không phát huy được hiệu quả, nhiều công trình bỏ dở dang, doanh nghiệp “chạy làng”…, nhiều dự án khi đưa ra với nguồn vốn lớn, hấp dẫn nhưng rồi không có kết quả”.
Cũng theo ông Đỗ Văn Vẻ các địa phương cần điều tra đánh giá, rà soát lại các dự án để có bước đột phá, cải tiến hơn. Những doanh nghiêp nào thực sự có thực lực, kinh doanh có hiệu quả, có thương hiệu thì cần quan tâm, tạo mọi thuận lợi trong đầu tư. Những doanh nghiệp làm ăn trá hình, không hiệu quả, không tập trung thì sẽ mất lòng tin, khó được cấp dự án, nhất là doanh nghiệp không có vốn. Điều này cần được khắc phục trong thời gian tới khi các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài và một số dự luật khác sẽ được Quốc hội thông qua và hoàn chỉnh chắc chắn sẽ thuận lợi hơn.
Dư luận nêu vấn đề hiện nay việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký đầu tư là một giấy hay hai giấy? Nghĩa là việc phối hợp giữa Luật Đầu tư với Luật Doanh nghiệp như thế nào? Theo ông Nguyễn Đức Kiên, có một nghịch lý là các doanh nghiệp Việt Nam luôn muốn một giấy, còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại muốn hai giấy.
Đặt câu hỏi, vì sao các doanh nghiệp của Việt Nam lại thích một giấy, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, khi các doanh nghiệp Việt Nam thành lập ra bao giờ cũng đi kèm với việc xin đất để làm trụ sở. Và về sau doanh nghiệp lại lấy luôn quyền sử dụng đất ấy đem thế chấp ngân hàng, tạo ra nguồn vốn kinh doanh, đầu tư. Như vậy nghĩa là doanh nghiệp đó chỉ “đầu tư trên giấy”; “tay không bắt giặc” và làm giàu lên nhờ vào cơ chế.
“Nhìn lại các dự án bất động sản trong nước hiện nay thì doanh nghiệp “tay không bắt giặc” không thiếu. Ví như Tổng công ty phát triển nhà và đô thị (HUD) là đơn vị đầu tư phát triển nhà rất lớn, được phong tặng Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới nhưng khởi nghiệp ban đầu là được giao các khu đô thị.
Sau đó kinh doanh khu đô thị và bán lấy chênh lệch địa tô, tạo lợi nhuận cho mình chứ thực tế về mặt sản xuất kinh doanh, dây chuyền công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng thì HUD không đóng góp gì nhiều trong đầu tư kinh tế”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên dẫn chứng.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn