Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, nếu không sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì việc tăng tốc thu hút đầu tư nguồn vốn FDI vào vùng ĐBSCL chưa thể bứt phá mạnh mẽ. Trong các Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào vùng ĐBSCL”, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc hoàn thành nhiều công trình hạ tầng quan trọng như các hệ thống giao thông huyết mạch, cảng, cầu vượt sông lớn... Tuy nhiên, theo đánh giá của VCCI và các nhà đầu tư nước ngoài, đến nay cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và gây khó khăn trong thu hút đầu tư FDI. Trong đó, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông liên vùng, giao thông kinh tế vẫn là điểm yếu của ĐBSCL.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN - KCX là một trong các nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. |
Nhiều nhà đầu tư mong muốn những công trình giao thông lớn tại vùng ĐBSCL cần sớm được hoàn thành. Chẳng hạn như công trình luồng tàu biển trọng tải lớn Định An trên sông Hậu, nâng cấp cảng Cái Cui (Cần Thơ) - cảng biển lớn nhất ĐBSCL giai đoạn II, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ - An Giang, xây dựng cầu Vàm Cống…
Bởi dự án luồng tàu biển Định An, bao gồm việc tiếp tục nâng cấp, đào mới kênh Quan Chánh Bố đang xây dựng dở dang với các công trình chính là xây dựng đê chắn sóng bảo vệ luồng tàu, nạo vét, đào mới luồng chính với tổng chiều dài 46,5 km. Đây là dự án quan trọng, giải quyết được bài toán ách tắc “cảng chờ luồng” trong thời gian cảng Cái Cui đưa vào hoạt động (sau khi hoàn thành giai đoạn 1 từ năm 2006) do các tàu trọng tải lớn không vào được cảng vì luồng Định An luôn bị bồi lắng. Nếu hoàn thành sẽ cho phép tàu biển trọng tải 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT giảm tải có thể lưu thông trong luồng, công suất vận chuyển hàng hóa từ 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000-500.000 TEU/năm.
Ngoài ra việc sớm hoàn thành những dự án cầu Vàm Cống dài 2,98 km, nối giao thông đường bộ của tỉnh An Giang với tuyến đường quốc gia Hồ Chí Minh, giữa các tỉnh bắc và nam sông Hậu và tuyến quốc lộ 91 nối TP Cần Thơ với thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, dài 44 km đã được nâng cấp 28 km đầu tiên từ ngày 9/3/2014 sẽ góp phần vào chương trình phát triển hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và phát triển kinh tế xã hội tại khu vực này. Đồng thời tạo điều kiện cho việc liên thông giữa các vùng trong khu vực, kết nối giao thông cho vùng sâu vùng xa, nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cho rằng việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN, hệ thống cấp điện... vẫn còn chậm. “Trong các KCN, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nước ngoài thì cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng vẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Trong khi đối với những nhà đầu tư, việc kêu gọi đầu tư sau khi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng là phương pháp hiệu quả nhất” - ông Hirofumi Kishi, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam cho biết.
Đứng trước những thách thức này, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: “Trong những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm lớn đã được đầu tư và đưa vào hoạt động góp phần tạo thế và lực mới cho TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL thu hút đầu tư. Do vậy, chính quyền địa phương các tỉnh sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng làm cơ sở để thu hút nguồn vốn FDI và mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, lâu dài với các nhà đầu tư”.
Bài và ảnh: Anh Đức