Tại cuộc Hội thảo về thị trường bán lẻ do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức sáng 3/10, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp trong nước cần "tự thân vận động" thay vì trông chờ vào các rào cản kĩ thuật đối với hàng hóa nước ngoài.Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cho rằng, thời điểm này nói câu chuyện bảo hộ đã là lỗi thời, 5 năm nữa vẫn nói câu chuyện này thế giới sẽ nhìn Việt Nam như "người đến từ một thế giới khác".
Từ năm 2013 đến nay ở Việt Nam, đặc biệt TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã và đang có sự bùng nổ trong phát triển loại hình cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như B’s mart, Circle K… Ngoài ra, một số doanh nghiệp nước ngoài khác như Walmart (Mỹ), Auchan (Pháp) đã làm việc với Bộ Công Thương để tìm kiếm, thăm dò cơ hội phát triển tại Việt Nam.
Các cửa hàng bán lẻ nội phải tự nâng cao hiệu quả kinh doanh để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Ảnh: HD |
Bên cạnh việc mang đến những màu sắc mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam, việc các DN ngoại vào Việt Nam ngày càng nhiều cũng đặt ra yêu cầu phải thay đổi phương thức kinh doanh đối với các DN trong nước, nếu không muốn thua ngay trên sân nhà.
Ông Phạm Đình Đoàn đề xuất, giai đoạn này song song việc sử dụng hàng rào kỹ thuật, nên chấp thuận việc doanh nghiệp trong nước liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài để được hỗ trợ về kinh nghiệm và công nghệ. Về lâu dài, các rào cản về kĩ thuật không thể có tác dụng mãi và sớm muộn cũng sẽ bị dỡ bỏ.
Ông Đoàn cũng lấy ví dụ Hàn Quốc đã từng liên doanh trong gian đoạn đầu mở cửa và đạt được nhiều thành công về kinh tế.
"5 năm nữa khi đã mở cửa hết, doanh nghiệp nước ngoài sẽ không liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam vì khoảng cách quá xa về vốn, công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và họ", ông Đoàn cảnh báo.
Theo số liệu có Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện tích hiện chiếm 25% tổng mức bán lẻ và sẽ tiếp tục tăng. Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, ngành này sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại vào năm 2020.
Các DN thuộc ngành bán lẻ trong nước mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư thông qua những quy định phù hợp, nhất là về cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh...
Hoàng Dương