Ngày 3/6/2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về: "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Nghị quyết này đã tạo sự phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và toàn xã hội.
Sau 1 năm, Nghị quyết đã được thực hiện một cách nghiêm túc, có tác động lan tỏa đến toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như kì vọng.
Sơ chế rau sạch tại HTX Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc, Long An) trước khi mang đi tiêu thụ ở các trung tâm thương mại, chợ. Ảnh: Trường Giang/TTXVN |
Chia sẻ tại Diễn đàn "Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TƯ tổ chức chiều ngày 10/7, ông Đỗ Đình Hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hoá cho biết: DN đang gặp 2 khó khăn chính là tiếp cận vốn và đất đai.
Theo ông Hiệu, nguồn vốn là thứ DN cần nhất. Trong trường hợp DN có đủ vốn và đất đai rồi thì câu chuyện đã quá dễ dàng. Tuy nhiên, DN từ “tay không bắt giặc” đến việc thành lập DN có đất, có vốn, đó mới là vấn đề.
Ở đây đang có một “nút thắt”. Cụ thể, về phía ngân hàng thường xuyên tiếp cận tới các DN thông qua hiệp hội, để mời DN vay vốn. Ở chiều ngược lại, DN vẫn khát khao nhưng không tiếp cận được nguồn vốn, trong khi ngân hàng thì thừa vốn.
Liên quan đến việc tiếp cận đất đai, hiện nay, nhà nước quy định DN, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận đất đai sau 77 ngày, tuy nhiên, theo quan sát của ông Hiệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá thì "có lẽ 5 lần 77 ngày chưa chắc đã tiếp cận được đất đai".
“Việc hoàn thiện hồ sơ của nhà đầu tư, công tác chấp thuận chủ trương đầu tư nhanh nhất cũng phải nửa năm, như vậy cơ hội kinh doanh của DN liệu có còn?”, ông Hiệu đặt câu hỏi.
Theo ông Hiệu: “Đây vẫn là nút thắt thuộc về thể chế, thể chế vẫn chưa gắn với tình hình thực tiễn của DN. Chính từ việc thiếu nguồn vốn và đất đai khiến DN khó lớn. Khi lớn lên được một ít rồi có những DN ngại lớn vì những lý do khác nhau. Có những doanh nghiệp rất lớn, đại gia trên thương trường tuy nhiên con số nộp thuế là rất ít".
Ông Hiệu đặt câu hỏi: “Liệu DN có trốn thuế không? Hay quy định của nhà nước chỉ đóng có như vậy? Đây là vấn đề cần phải làm rõ”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế thừa nhận có tình trạng một số DN tư nhân không muốn lớn để không phải nộp thuế nhiều. "Trong số 1.000 DN đóng thuế nhiều lại không có tên những DN tư nhân lớn đang rất có tiếng trên thị trường bất động sản, có nhiều đất vàng", ông Phụng tiết lộ.
Thực tế trong số nợ xấu ngân hàng, có đến 23.000 tỷ đồng nợ xấu là của DN đã chết, giải thể hoặc ngừng hoạt động. Con số này không ngừng tăng lên do nhân với lãi suất ngân hàng hằng ngày. Ông Phụng cho biết Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xóa số nợ này cho DN, đồng thời tăng cường kiểm soát, chống thất thu thuế.
Để DN có thể chủ động lớn, ông Hiệu đề xuất: “Cần phải tạo điều kiện thuận lợi và mạnh dạn hơn nữa để cắt giảm những thủ tục đầu tư kinh doanh, để có thể giúp DN gia nhập thị trường một cách nhanh nhất, chớp được cơ hội kinh doanh tốt nhất và phải thay đổi tư duy một cách mạnh mẽ nhất”.
Theo số liệu gần đây, hiện nay, khu vực DN nhà nước đóng góp 28,81% GDP, khu vực kinh tế cá thể đóng góp 30,43% GDP và khu vực DN FDI đóng góp 18,59% GDP năm 2016. Các DN tư nhân mặc dù có số lượng lớn nhưng quy mô lại rất nhỏ bé. Khu vực DN tư nhân chiếm tới 96% trong tổng số hơn 600 nghìn DN trong cả nước, trong đó hơn 50% số DN có số lao động dưới 10.
Kết quả điều tra PCI 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, các DN Việt Nam thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn. Khu vực tư nhân đang chủ yếu sản xuất cho thị trường trong nước. Chỉ có 11% DN tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và chỉ 14% bán cho các DN FDI tại Việt Nam.