Khu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). |
Đó là ý kiến của bà Trần Thu Phương, Phó Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCN- KCX) Hà Nội cho biết tại tọa đàm về vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng các thiết chế phục vụ người lao động, ngày 29/12, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
“Hiện chỉ những doanh nghiệp có trên 1.000 lao động mới có tổ chức công đoàn theo quy định, còn lại các doanh nghiệp tư nhân nhỏ đều không muốn thành lập tổ chức công đoàn. Suốt thời gian qua, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp nhỏ tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) với 7 lao động thành lập tổ chức công đoàn. Do đó nếu các thiết chế phục vụ người lao động bao gồm xây dựng nhà ở, nhà gửi trẻ, nhà văn hóa… được triển khai thực tế, sẽ thu hút người người lao động tham gia tổ chức công đoàn”, bà Trần Thu Phương cho biết.
Theo Cục Quản lý Nhà ở (Bộ Xây dựng), cả nước có 344 KCN-KCX với khoảng 2,7 triệu lao động, chiếm 1/5 tổng số lao động trên cả nước. Tuy nhiên theo khảo sát mới đây của Bộ Xây dựng, chỉ có 2% số lao động được bố trí nhà ở xã hội, chủ yếu là công nhân kỹ thuật, còn với lao động ngắn hạn có thể thay thế được thì doanh nghiệp chưa quan tâm tới bố trí nhà xã hội.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động và các dịch vụ khác như nhà trẻ, khu vui chơi là do chưa có cơ chế hỗ trợ về vốn đầu tư, chính sách ưu đãi về đầu tư các công trình xã hội, thủ tục hành chính còn rườm rà.