Phóng viên TTXVN xin trích lược ý kiến các doanh nghiệp để bạn đọc có cái nhìn nhiều chiều hơn về vấn đề này.
* Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam:
Trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, hầu hết các ngành sản xuất ở Việt Nam đều chịu tổn thương do chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Tuy nhiên, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, doanh nghiệp Việt Nam đang có ưu thế hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp cùng ngành nghề tại nước ngoài để cạnh tranh tốt hơn.
Đại dịch đi qua, nhu cầu về sản xuất lại tăng lên mặc dù sẽ chậm hơn so với thời điểm trước dịch bệnh. Những doanh nghiệp đã tham gia và đảm bảo được tiêu chuẩn đặt ra trong chuỗi cung ứng quốc tế vẫn sẽ có được đơn hàng của đối tác.
Dự báo sang năm 2021, với tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát ở Việt Nam và trên thế giới, sản xuất toàn cầu sẽ trở lại. Để chuẩn bị cho giai đoạn đó, trong thời gian qua, Công ty Hikari đã tập trung đầu tư máy móc, nhân sự, đào tạo để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp khi đạt được quy chuẩn đó, không chỉ thị trường trong nước mà ngay tại nước ngoài cũng thuận lợi hơn rất nhiều trong tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài.
Với doanh nghiệp, có đơn hàng mới là có nguồn thu, người lao động có việc làm. Trong lúc này, các doanh nghiệp cần phát huy tính liên kết, xác định sản phẩm của mình cung cấp cho thị trường nào, khách hàng nào. Hikari xác định từ đầu là các khách hàng đầu tư nước ngoài nên đã tìm hiểu và làm việc theo văn hóa của họ.
Tôi cho rằng việc lựa chọn đúng từ đầu, có đầu tư chọn lọc và sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn và tăng cường tính liên kết thì doanh nghiệp sẽ trụ được và phát triển sau dịch bệnh.
Thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp bị “khát” đơn hàng. Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp, các gói hỗ trợ để vực dậy doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ này là cần thiết và kịp thời nhưng doanh nghiệp kỳ vọng sự hỗ trợ này phải triển khai càng nhanh càng tốt, đến tay doanh nghiệp để tạo sức bật cho doanh nghiệp vượt khó.
Song song với đó, các cấp ngành phải cải tiến quy trình thủ tục nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận… để các khoản hỗ trợ sớm đến được tay các doanh nghiệp. Thêm vào đó, phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể. Đặc biệt cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.
Hiện nay, việc hỗ trợ được thực hiện cào bằng. Việc đưa ra một gói hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp dường như chưa sát với thực tế. Chúng ta có thể hỗ trợ dựa trên những đánh giá chỉ số. Những ngành khó khăn thì chỉ số đánh giá nên thấp xuống. Có những ngành chỉ số còn cao do họ vẫn có cơ hội phát triển từ dịch bệnh. Từ các chỉ số, có thể chia theo mô hình doanh nghiệp nhỏ vừa, doanh nghiệp lớn và đưa ra các gói phù hợp với các ngành của doanh nghiệp đó...
Ngoài ra, với ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, nhà nước cần sớm có chính sách phát triển cụ thể, xây dựng những con chim đầu đàn trong ngành công nghiệp, cơ khí chế tạo đủ mạnh, dẫn đường và kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên.
* Ông Trần Chí Kiên, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty TNHH TaeYang Việt Nam
Công ty TaeYang Việt Nam là công ty 100% vốn từ Hàn Quốc, sản xuất đồ gia dụng dao, thìa, dĩa xuất khẩu. Đơn vị xuất khẩu sang các thị trường chính châu Âu, Hoa Kỳ…
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là với đơn vị xuất khẩu như TaeYang. Hoạt động “đóng cửa” tại các quốc gia khiến việc xuất khẩu hàng hóa gặp khó. Thêm vào đó, mặt hàng mà công ty sản xuất cũng là mặt hàng rất đặc thù. Các nhà hàng, khách sạn không có khách khiến cho tiêu dùng mặt hàng này cũng giảm mạnh. Dự kiến, kế hoạch kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng, khó có thể hoàn thành.
Đơn hàng ít hơn, khiến công việc cho người lao động giảm xuống. Tuy nhiên, công ty cũng rất nỗ lực để duy trì công việc cho người lao động, đảm bảo quyền lợi nhất định và đầy đủ cho nhân viên.
Các đối tác mà TaeYang hợp tác xuất khẩu đều là những bạn hàng lâu năm, ít nhiều cũng đã có sự chia sẻ để vượt khó. Chúng tôi đã đàm phán cùng với phía bạn hàng để sản xuất trước một số sản phẩm, duy trì công việc cho người lao động. Đó là điều mà chúng tôi tin tưởng, sau dịch COVID-19, nhu cầu từ bạn hàng tăng lên, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty sẽ ngay lập tức quay trở lại, đáp ứng nhu cầu.
Hy vọng rằng khi dịch bệnh được kiểm soát, đặc biệt tại châu Âu, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa vào thị trường này. Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp cho doanh nghiệp có lợi thế hơn nữa khi xuất khẩu hàng sang thị trường này.
* Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty cơ khí chính xác Hà Nội CNC (HNC)
Đến thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đang có mức khởi sắc nhất định sau dịch. Nhiều tín hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế có thể từ 1,8 - 2,9% trong năm 2020. Đây là thành quả có được nhờ phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ điều này.
HNC là doanh nghiệp đặc thù chuyên thiết kế, thi công các chi tiết, linh phụ kiện cho các doanh nghiệp sản xuất khuôn đúc thép nhựa, kim loại… Thời gian qua dịch bệnh vừa qua, doanh nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn. Chúng tôi là doanh nghiệp non trẻ, mới khởi nghiệp đã gặp ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, khiến sản lượng đơn hàng bị chững lại, thậm chí có những lúc không có đơn hàng. Nhưng nhờ sự nỗ lực của cả tập thể mà doanh nghiệp đã cố gắng vượt qua khó khăn để đảm bảo sản xuất.
Đến nay, nhờ sự đoàn kết vượt khó, về cơ bản chúng tôi đã vượt qua cơn bão dịch, tiếp tục sản xuất và tìm bạn hàng mới.
Định hướng trong năm tới của công ty sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên là doanh nghiệp nhỏ, đơn vị rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong vay vốn, thuê đất, tập trung nguồn lực cho phát triển, từ đó thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.
Thời điểm sau dịch cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất thay đổi hành vi kinh doanh, bán hàng. Do vậy, thời gian tới, công ty cũng sẽ đẩy mạnh việc sử dụng thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, đào tạo kỹ năng cho người lao động bước vào cuộc chơi mới này.
* Ông Trương Tấn Công, đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại Gia Khang:
Trong giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp Gia Khang - đơn vị chuyên sản xuất đồ gỗ, hàng nội thất cung cấp cho thị trường trong nước đã nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn, việc làm và nguồn thu nhập cho trên 130 lao động thường trực trong bối cảnh thị trường tiêu thụ giảm, nguồn nguyên liệu thiếu hụt. Vượt qua giai đoạn khó khăn, hiện đơn vị đã bắt đầu có được đơn hàng và chuyển hướng sản xuất các mặt hàng phục vụ gia đình để khai thác hiệu quả dây chuyền sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.
Quý I và quý II/2020 do xảy ra dịch bệnh nên doanh nghiệp đã gặp một số khó khăn nhất định về việc làm cho công nhân do bị đứt gãy nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ. Bước sang quý III, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp bắt đầu nhận được một số đơn hàng về nội thất trong nước nhờ đó công nhân đã có việc làm cả ngày và đêm, các dây chuyển sản xuất đảm bảo, đời sống công nhân dần đi vào ổn định.
* Ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAXACO):
Là đơn vị duy nhất lắp ráp thương hiệu xe Mercedes-Benz tại Việt Nam khá phấn khởi về kết quả kinh doanh và tốc độ tăng trưởng đạt được trong quý III/2020. Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức của dịch bệnh COVID-19, kéo theo sự suy giảm của thị trường tiêu thụ song doanh thu thuần của HAXACO đã đạt 1.741 tỷ đồng trong quý III/2020, tăng 31,4% so với cùng kỳ 2019.
Do giá vốn hàng bán chỉ tăng 28,6%, thấp hơn mức tăng của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp của HAXACO cũng tăng tới 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của HAXACO trong quý III/2020 cũng được ghi nhận là đạt 64 tỷ đồng, tăng vọt lên 253% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của công ty đạt 80 tỷ đồng, tăng 43%.
Để có được những kết quả này, ban lãnh đạo công ty đã phải xây dựng chiến lược tận dụng thị phần, đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và cắt giảm chi phí. Cùng với đó, công ty đã tận dụng tối đa cơ hội khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe lắp ráp trong nước đi vào hiệu lực. Cả 4 đại lý của HAXACO đều vượt chỉ tiêu doanh số bán hàng và nằm trong Top đầu đại lý về doanh số bán xe Mercedes-Benz.
Nhờ lợi nhuận tăng vọt trong quý III, HAXACO đã bù đắp phần suy giảm trong 2 quý trước đó do ảnh hưởng của COVID-19 và khi chưa có quy định giảm 50% phí trước bạ. Trước đó, 6 tháng đầu năm, doanh thu của HAXACO chỉ đạt 2.009 tỷ đồng, lãi sau thuế là 11 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 63% so với cùng kỳ năm trước.
* Ông Nguyễn Trường Giang quyền Tổng Giám đốc - Tổng Công ty dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone (thành viên của Tập đoàn VNPT):
Đại dịch COVID-19 hiện vẫn đang ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới và tại Việt Nam, nỗ lực của cả Chính phủ và người dân đang được đẩy lên cao nhất để chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh. Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng không ngoại lệ luôn sẵn sàng huy động mọi nguồn lực để đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cả nước khắc phục, đẩy lùi dịch COVID-19 .
Từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, do nhiều người dân làm việc và học tập tại nhà nên lưu lượng sử dụng trên Internet đã tăng đột biến. Trước tình hình đó, để đảm bảo người dân được sử dụng các dịch vụ trực tuyến với chất lượng tốt nhất, VNPT đã tăng gấp đôi tốc độ đường truyền Internet các gói Home Combo với giá không đổi. Gói cước này cũng được gia tăng dung lượng Data và mở rộng ưu đãi phút gọi. Qua đó đáp ứng toàn diện nhu cầu liên lạc, làm việc, học tập và giải trí của người dân.
Đối với các doanh nghiệp, VNPT đã triển khai chương trình ưu đãi lên đến 90% cho các tổ chức doanh nghiệp khi đăng kí gói cước V-Com, tích hợp các dịch vụ số gồm: VNPT iOffice, VNPT e-Cabinet (Phòng họp không giấy tờ), (Hội nghị Truyền hình), VNPT CA (Chứng thực chữ ký số công cộng) và VNPT Ký số. Đến nay, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp sử dụng gói dịch vụ số này.
Đặc biệt, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, học sinh các tỉnh, thành phố phải nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, Tập đoàn VNPT đã hoàn thành triển khai nền tảng VNPT E-Learning tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Archimedes (Hà Nội) và sau đó là hàng trăm trường học với hàng triệu học sinh cả nước ứng dụng.
Hiện dịch COVID-19 đang được kiểm soát, VNPT vẫn đang duy triển khai một số gói sản phẩm phù hợp từng đối thượng khách hàng, như gói Home Đỉnh giúp khách hàng tiết kiệm đến 50% so với sử dụng các gói cước tích hợp khác trên thị trường phù hợp cho các hộ gia đình. Hoặc gói trải nghiệm dịch vụ Hội nghị truyền hình trực tuyến VNPT Meeting đã hết thời dùng miễn phí. Tuy nhiên, nếu khách hàng có nhu cầu dùng dịch vụ, VNPT vẫn cung cấp các gói cước ưu đãi như: khách hàng đã sử dụng dịch vụ FiberVNN khi sử dụng thêm dịch vụ VNPT Meeting, giá cước chỉ từ 423.500 đồng/tháng. Với khách hàng chưa sử dụng dịch vụ Internet FiberVNN hoặc muốn sử dụng thêm đường Internet riêng cho kết nối hội nghị truyền hình VNPT Meeting, mức ưu đãi cho gói cước tích hợp chỉ từ 590.000 đồng/tháng.