Núi Pháo Mining- giá trị doanh nghiệp từ góc nhìn trách nhiệm xã hội

Chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội ngày càng có vai trò quan trọng đối với giá trị và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Quảng, một trong những hộ gia đình thay đổi hình thức làm kinh tế sau dự án Núi Pháo.

Các tạp chí kinh tế doanh tiếng trên thế giới như Forbes, Europe CEO và Trusted insights for business worldwide đều nhận định việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và phát triển cộng đồng được xem là một loại bảo hiểm tốt cho doanh nghiệp bởi nó giúp củng cố lòng trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư, gia tăng khách hàng và giảm thiểu rủi ro về danh tiếng của công ty trong trường hợp xảy ra khủng hoảng…Tất cả những yếu tố này đều góp phần gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Việt Nam, đặc biệt đối với các dự án tái định cư, phục hồi sinh kế cho cộng đồng bị ảnh hưởng là một trong những trách nhiệm xã hội quan trọng cần phải thực hiện. Nhiều bài học cho thấy, nếu không có những biện pháp nhằm giảm nhẹ tổn thương của việc tái định cư và phục hồi sinh kế bền vững cho người dân bị ảnh hưởng thì không chỉ người dân, cộng đồng mà bản thân doanh nghiệp sẽ phải chịu đối mặt với những rủi ro đáng kể về danh tiếng, lợi nhuận.

Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là một trong những dự án khai thác khoáng sản thuộc khối tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. Để triển khai dự án, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo phải tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng trên 700 ha đất của hơn 3.000 hộ dân thuộc 5 xã của huyện Đại Từ. Công ty cũng phải thực hiện tái định cư cho khoảng 1530 hộ dân trong suốt vòng đời dự án. Phục hồi sinh kế bền vững cho cộng đồng bị ảnh hưởng là một trong những chương trình trách nhiệm xã hội quan trọng, được ưu tiên hàng đầu của Công ty Núi Pháo.

Với cam kết đồng hành cùng địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững, Công ty đã thực hiện chương trình phục hồi kinh tế cho người dân bị ảnh hưởng thông qua các hình thức đa dạng như chính sách tạo việc làm và ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp cung ứng địa phương, thúc đẩy các chương trình khuyến nông và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi thông qua quỹ vốn vay phục hồi kinh tế.

Thông qua chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, trong số trên 1100 cán bộ công nhân viên đang làm việc tại nhà máy có tới gần 800 người là người địa phương (trong đó có 536 người thuộc hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án). 100% cơ hội làm lao động phổ thông cũng được dành cho những người thuộc hộ bị ảnh hưởng với khoảng 200 lao động/ tháng.

Đối với các hộ ảnh hưởng vẫn gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, các chương trình khuyến nông được thực hiện dựa trên thế mạnh nông nghiệp của địa phương và xu hướng, nhu cầu thị trường. Thông qua chương trình, hàng trăm hộ trong khu vực ảnh hưởng của dự án đã được tham gia các lớp đào tạo nghề trồng nấm, chăn nuôi, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè, trồng rau. Đặc biệt, các xã bị ảnh hưởng với thế mạnh là cây chè đã được tiếp cận quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap. Tính đến nay, đã có 31 ha chè với 114 hộ gia đình được chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn Vietgap.

Với các hộ ảnh hưởng có tiềm năng kinh doanh, Công ty đã hỗ trợ phát triển thành những doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho Công ty và cho địa phương. Hiện tại có 6 doanh nghiệp cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho Công ty như giá đỡ hàng, túi đựng quặng, đồng phục, dịch vụ vận tải, dịch vụ ăn uống và vệ sinh môi trường.

Các doanh nghiệp này hiện cung cấp dịch vụ hàng hóa với giá cạnh tranh cho công ty, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động là hộ bị ảnh hưởng bởi dự án với mức lương bình quân 5-6 triệu/tháng. Điều đáng mừng là, tuy mới chỉ thành lập được 2-3 năm nhưng những doanh nghiệp này đều cho thấy sự thành công trong việc mở rộng thị trường và giảm dần sự lệ thuộc vào Công ty.

Trong khi các chính sách trợ giá và đơn hàng từ Công ty Núi Pháo đang giảm dần, doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp vẫn tăng từ 20% đến 200%.

Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thanh Quyên, ở xóm 2, thị trấn Hùng Sơn, Đại Từ cho biết “Chúng tôi được tạo việc làm thông qua chương trình phục hồi kinh tế của Công ty, hiện nhóm của tôi gồm 3 người bị ảnh hưởng bởi dự án đang quản lý 1 kiot phục vụ ăn uống cho cán bộ công nhân viên Công ty Núi Pháo, chúng tôi không chỉ được tạo điều kiện về việc làm, mang lại thu nhập cho gia đình mà còn được hướng dẫn về kỹ năng nấu ăn và  nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Để phục hồi và phát triển sinh kế bền vững, một trong những điều kiện quan trọng mà người dân, cộng đồng bị ảnh hưởng cần có là nguồn vốn tài chính. Năm 2013 quỹ vốn vay phục hồi kinh tế được thiết lập dưới sự hợp tác giữa Công ty Núi Pháo và Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đại Từ.

Thông qua quỹ, các hộ bị ảnh hưởng và doanh nghiệp có thể được vay tối đa 50 triệu đồng (đối với hộ gia đình) hoặc 200 triệu đồng (đối với doanh nghiệp) với mức lãi suất ưu đãi là 0,55%/ năm. Hiện tại có 121 hộ gia đình và doanh nghiệp đang được tiếp cận quỹ vốn vay với tổng giá trị là 4 tỷ đồng.

Nguồn vốn vay cho phép các hộ gia đình đầu tư và mở rộng các mô hình tạo thu nhập đa dạng như sản xuất chế biến chè, trồng cây ăn quả, trồng hoa, chăn nuôi (lợn, trâu, bò, thỏ..) và kinh doanh. Kết quả đánh giá giữa kỳ gần đây cho thấy 100% hộ tham gia khảo sát cho rằng các mô hình đầu tư đã giúp tăng thu nhập của hộ gia đình, 79% đã có thêm khoản tiết kiệm, 75% cho rằng họ có thể đầu tư tốt hơn cho việc học hành của con cái.

Ông Phạm Thế Khả (Giám đốc Ngân hàng chính sách huyện Đại Từ ) cho biết: “Mô hình quỹ vốn vay phục hồi kinh tế của Công ty Núi Pháo được đánh giá cao bởi tính thiết thực, hiệu quả và được cho là một sáng kiến độc đáo của Công ty trong chương trình phục hồi kinh tế cho cộng đồng ảnh hưởng. Đây cũng là một mô hình hợp tác công-tư tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và được một số doanh nghiệp lớn khác trên địa bàn quan tâm và mong muốn học hỏi áp dụng”.

Có thể thấy, là doanh nghiệp khai thác khoáng sản có tầm cỡ quốc tế, Công ty Núi Pháo đã xây dựng chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội nói chung và phục hồi kinh tế nói riêng như một công cụ quản trị hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị của doanh nghiệp.

Ở cấp địa phương, các hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào công cuộc an sinh xã hội, giải quyết việc làm, ổn định trật tự xã hội, gắn kết cộng đồng và doanh nghiệp, giảm thiểu và ngăn ngừa các tình trạng bất mãn, chống đối dự án từ phía người dân bị ảnh hưởng, từ đó góp phần ổn định sản xuất, ngăn ngừa tổn thất không đáng có do bất ổn về an ninh trật tự gây ra.

Cũng thông qua các chương trình này, Công ty đã củng cố niềm tin, sự ghi nhận, hợp tác từ chính quyền các cấp. Đặc biệt, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, phát triển cộng đồng cũng là cách khôn ngoan để doanh nghiệp nâng cao uy tín và tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

N.P.M (TTXVN)
Thái Nguyên kêu gọi chung tay giảm nghèo
Thái Nguyên kêu gọi chung tay giảm nghèo

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh trích một phần ngân sách và nguồn vốn chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN