Ổn định nguồn vốn chính sách để đảm bảo an sinh xã hội

Theo ông Hà Công Long, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua tổng hợp kiến nghị của các địa phương, cử tri rất quan tâm đến việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, trong đó đề nghị có cơ chế tạo lập nguồn vốn ổn định cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

 

Chị Mai Thị Hương ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để phát triển nghề làm nước mắm.

Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 đã đề ra mục tiêu tổng quát phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.


Tuy nhiên, một trong những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của NHCSXH hiện nay là việc chủ động nguồn vốn. Vì vậy, thực hiện giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, Ban Dân nguyện đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị quan tâm nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện nội dung mà trong Nghị quyết số 26 ngày 21/6/2012 của Quốc hội đã nêu là “Tăng thêm nguồn vốn cho NHCSXH để tăng mức cho vay, nhất là cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và mở rộng đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn của NHCSXH, phát triển thêm các ngành nghề ở nông thôn”.


Về nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong văn bản trả lời đã khẳng định lại Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ: Tăng dư nợ của NHCSXH bình quân hàng năm khoảng 10%; nguồn vốn hoạt động của NHCSXH chủ yếu do Nhà nước cấp, do NHCSXH huy động và nhận ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Bộ này cũng khẳng định, trong thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục được Chính phủ quan tâm tăng thêm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về chính sách ưu đãi tín dụng được giao.


Để đảm bảo cho nguồn vốn chính sách ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhiều ý kiến đã đề nghị vốn Nhà nước cấp, trong đó ngân sách Trung ương cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn cấp chương trình hằng năm cho NHCSXH các tỉnh, thành phố cần được đưa vào dự toán ngân sách Nhà nước, được Quốc hội thông qua hằng năm để NHCSXH và các bộ, ngành liên quan chủ động thực hiện; đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và đối tượng chính sách khác. Ngân sách địa phương tiếp tục dành một phần vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Vấn đề này cần được bổ sung trong Luật Ngân sách để giúp địa phương có căn cứ pháp lý thực hiện.


Để tăng cường nguồn vốn cho NHCSXH, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng đóng góp vào nguồn vốn tín dụng chính sách, thông qua các hình thức như ưu tiên mua trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, chấp hành tốt việc duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.


Theo ông Hà Công Long, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra các giải pháp và phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Do đó, cần phải đôn đốc việc tổ chức thực hiện để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.


Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức cho dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo. Theo đó, NHCSXH được giao thực hiện cho vay hộ cận nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đối tượng hộ cận nghèo được Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Mức cho vay đối với hộ cận nghèo do NHCSXH và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ cận nghèo vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất của vật nuôi, cây trồng và khả năng trả nợ của khách hàng.


Như vậy, với việc mở rộng đối tượng cho vay, việc đảm bảo nguồn vốn kịp thời, ổn định lại càng trở nên cấp thiết.


Bài và ảnh: Ngọc Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN