Cụ thể, tại lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Viettel đã phát sóng mới, bổ sung thiết bị cho 20 trạm 2G, 3G và gần 10 trạm 4G. Tại lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Viettel cũng đã hoàn thành 10 trạm bao gồm cả 2G, 3G và 4G, đồng thời lắp đặt 2 thiết bị wifi tại khu vực chùa Hoa Yên và chùa Đồng. Tại Tây Ninh, toàn bộ khu vực lễ hội Núi Bà Đen cũng đã được đảm bảo chất lượng mạng lưới, trong đó có dịch vụ 4G để phục vụ người dân liên lạc, chia sẻ hình ảnh khi đi lễ hội đầu Xuân.
Kỹ sư Viettel kiểm tra thiết bị trước khi lắp đặt. Ảnh Lê Mai. |
Theo dữ liệu thống kê, trong tháng Giêng, trên cả nước có 100 lễ hội, sự kiện, trong đó có khoảng 35 lễ hội với quy mô lớn, tập trung trên 10.000 người tham dự và chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc.
“Nỗ lực triển khai công nghệ 4G trên diện rộng này vừa mang tới trải nghiệm mới cho khách hàng vừa giúp giảm tải cho mạng 3G trong trường hợp nhu cầu sử dụng dữ liệu tăng đột biến vào dịp lễ hội”, đại diện Viettel nói.
Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán 2017, chất lượng mạng lưới Viettel đều được duy trì ổn định, thông suốt trên toàn quốc, kể cả các khu vực tập trung đông người, nơi diễn ra các lễ hội, sự kiện chào đón năm mới. Vào đêm giao thừa 2017, lưu lượng data cả 2G và 3G của Viettel tăng mạnh tới 15% so với thời điểm giao thừa năm ngoái. Trong khi đó, tổng lưu lượng thoại giảm nhẹ khoảng 6% so với giao thừa năm 2016.
Điểm mới tại giao thừa năm nay ở chỗ Viettel đã đưa vào sử dụng mạng 4G và giải pháp wifi hỗ trợ từ 10- 40% lưu lượng data cho mạng 3G. Thời điểm cao tải nhất trong đêm giao thừa là từ khoảng 23h30 - 00h30. Tuy nhiên, toàn bộ các chỉ tiêu chất lượng ghi nhận trên hệ thống đều tốt hơn so với yêu cầu từ 30- 60%.
Ngoài ra, ngay trước thềm năm mới Đinh Dậu, 2 tuyến cáp quang biển APG và AAG cũng đã hoạt động trở lại. Đây là tài nguyên quan trọng, góp phần tăng cường dung lượng dự phòng kết nối quốc tế của Viettel trong dịp Tết Nguyên đán này.