Bài toán khó cho khai thác tài nguyên
Tìm kiếm thăm dò các mỏ dầu khí để gia tăng trữ lượng dầu khí và duy trì hoạt động khai thác dầu khí là điều kiện tiên quyết để phát triển ngành dầu khí bền vững. “Nó cũng giống như việc người nông dân đi làm ruộng, không gieo trồng, chăm bẵm thì không có thóc để đổ vào cối xay”, TS Trần Đức Chính - nguyên Chủ tịch Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) đã chia sẻ như vậy.
Các giàn khoan của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Trong khi đó, nghề tìm kiếm, thăm dò dầu khí là nghề có độ rủi ro được xếp vào hàng cao nhất so với tất cả các ngành nghề khác. Đầu tư cho việc tìm kiếm, thăm dò khai thác cũng cực kỳ tốn kém và dài hạn nhưng không gia tăng trữ lượng chỉ có nước phá sản ngành dầu khí, ông Chính nhấn mạnh.
Thực tế là để tìm ra được một mỏ mới, phải đầu tư cho thăm dò, phải khoan nhiều giếng ngoài biển. Theo đó, tuỳ thuộc độ sâu mà một giếng khoan thăm dò rẻ nhất cũng phải vài chục triệu USD, thậm chí là hàng trăm triệu USD và không phải mũi khoan nào cũng có thể thành công.
Bởi dầu khí là tài nguyên không tái tạo nên những mỏ gần bờ, thuận lợi, trữ lượng lớn thì đã khai thác hết, hiện chỉ còn những mỏ ở vùng nước sâu, xa bờ. Vì thế, nếu trước kia, cứ trung bình trong 4-5 dự án khoan thăm dò thì được 1-2 dự án thắng lợi, còn hiện nay, khoan 5 dự án thì may ra có 1, ông Chính cho biết.
Cũng quan điểm này, TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng cho biết: Vì tìm kiếm thăm dò dầu khí rủi ro quá lớn, cho nên các công ty dầu quốc tế và cả một số quốc gia như Nhật Bản đã phải dành những khoản ngân sách hằng năm đủ lớn để đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò, xem như một quỹ rủi ro.
Khi tìm kiếm thăm dò sẽ lấy tiền từ quỹ này và nếu có rủi ro bị mất thì cũng không đụng chạm đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như không ảnh hưởng tới báo cáo tài chính của công ty và lớn hơn không ảnh hưởng tới ngân sách quốc gia hay tiền thuế của dân.
Đầu tư ra nước ngoài cũng vậy, nếu như trong nước khi thăm dò khai thác chỉ rủi ro về kỹ thuật, thì khi tìm kiếm thăm dò ở nước ngoài, sự rủi ro ấy còn nhân lên gấp bội bởi những biến động khó có thể lường trước được như chính trị, kinh tế, tài chính, biến động về tỷ giá ngoại tệ, giá dầu cũng như sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tập đoàn dầu khí.
Thực tế là, kể từ khi giá dầu suy giảm từ năm 2015 đến nay, quỹ thăm dò khai thác của PVN và các đơn vị thành viên cạn dần, không đủ kinh phí để đầu tư cho thăm dò các mỏ mới như trước kia.
Theo Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, PVN đang khai thác khoảng 25 triệu tấn quy dầu/năm nhưng tìm kiếm thăm dò chỉ được hơn 10 triệu tấn/năm. Vì vậy, việc khai thác dầu khí hiện nay đang "ăn" vào tương lai.
"Nếu năm 2017 này và các năm tiếp theo, công tác thăm dò dầu khí, gia tăng trữ lượng không được cấp tập bổ sung thì chỉ 5-7 năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí sẽ xuống dốc và có thể chỉ còn 5 triệu tấn/năm", ông Sơn đã cảnh báo như vậy tại buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Cần sớm hình thành Quỹ Thăm dò dầu khí
Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đây chính là kim chỉ nam quan trọng cho định hướng phát triển toàn bộ ngành dầu khí.
Theo đó trọng tâm là tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài.
Với Chiến lược được phê duyệt này, PVN đã đặt ra các mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực hoạt động. Về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, PVN đẩy mạnh công tác khảo sát, điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí để đạt mục tiêu 35-45 triệu tấn quy dầu/năm.
Trong đó, tìm kiếm thăm dò ở trong nước là 25-30 triệu tấn, ở nước ngoài 10-15 triệu tấn để đảm bảo giữ vững sản lượng khai thác dầu thô ở mức 15-20 triệu tấn/năm (trong nước là 14-17 triệu tấn/năm, nước ngoài là 1 - 3,5 triệu tấn/năm).
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với giá dầu liên tục giảm như hiện nay, cộng thêm những khó khăn như các mỏ gần bờ trữ lượng lớn đã cạn thì mục tiêu gia tăng trữ lượng 35-45 triệu tấn quy dầu/năm sẽ rất khó thực hiện nếu như không có sự hỗ trợ quyết liệt về mặt cơ chế chính sách của Nhà nước cho hoạt động thăm dò dầu khí này.
Hành trình "những người đi tìm lửa"
Ngay sau khi thành lập vào ngày 3/9/1975, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã được đặc biệt chú trọng, tạo nên những thành quả đáng tự hào của “những người đi tìm lửa”. Cuối năm 1978, con tàu địa chấn đầu tiên mang tên Bình Minh đã ra đời để thực hiện phương án khảo sát địa chấn phản xạ vùng Tây Bắc vịnh Bắc Bộ.
Năm 1980, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Từ đó các tàu nghiên cứu khoa học Poisk, Iskatel, Gambursev, Malưgin (Liên Xô) đã thực hiện khảo sát địa chấn tại thềm lục địa Việt Nam nhằm đánh giá tiềm năng các bể trầm tích Đệ Tam Việt Nam.
Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) được thành lập ngày 19/6/1981 để tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long (Lô 09 và 16) và sau này ở mỏ Đại Hùng (Lô 05 bể Nam Côn Sơn).
Năm 1988, PVN đã phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ - mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á.
Kể từ khi Luật Dầu khí ra đời vào tháng 7/1993, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của PVN đã có bước tiến quan trọng. Theo đó, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn đã giúp phát hiện được nhiều mỏ dầu khí quan trọng để đưa vào khai thác.
Có thể kể đến các mỏ như Ruby, Topaz North, Peal, Diamond, Emirald, Cá Ngừ Vàng, Đồi Mồi, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Rạng Đông, Phương Đông, Tê Giác Trắng, Lan Tây, Lan Đỏ, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Hải Thạch, Mộc Tinh... trong đó các mỏ Đại Hùng, Lan Tây, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây.
Theo PVN, tính đến hết năm 2016, PVN đã ký kết 106 Hợp đồng dầu khí với các công ty trong và ngoài nước, trong đó có 62 hợp đồng dầu khí còn hiệu lực gồm các hợp đồng đang trong giai đoạn khai thác, hợp đồng đang trong giai đoạn chuẩn bị phát triển và 37 hợp đồng đang trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò.
Ngoài các hoạt động thăm dò khai thác ở trong nước, từ năm 2003 đến hết năm 2015, PVN chính thức đầu tư góp vốn tham gia vào 29 dự án thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài trong đó có 20 dự án đang còn hiệu lực
Kể từ khi xuất bán tấn dầu thô đầu tiên của mỏ Bạch Hổ vào tháng 4/1987, đến nay PVN đã xuất bán tổng cộng 355 triệu tấn, thu về 145 tỉ USD, đóng góp đáng kể cho nguồn thu của ngân sách Nhà nước
Trải qua 42 năm xây dựng và phát triển, PVN luôn là doanh nghiệp “đầu tàu” có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, giúp tăng nguồn thu ngân sách và đóng góp khoảng 20% GDP chung cả nước.