Hiện Nhà nước vẫn chiếm 80% nên để thực hiện mục tiêu thoái vốn xuống 35% thì PVOIL sẽ thoái vốn theo cách đấu giá theo lô 45% vốn nữa.
Cụ thể, PVOIL thoái vốn theo 2 lô 30% và 15% để tìm được các cổ đông lớn có khả năng tài chính, có kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, có thương hiệu, có công nghệ hoặc liên quan mật thiết tới lĩnh vực xăng dầu.
Hiện PVOIL đã trình phương án thoái vốn lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo ông Dương, để chuẩn bị cho thoái vốn theo phương án đấu giá theo lô này này, PVOIL sẽ phải xác định lại giá trị doanh nghiệp do giá trị doanh nghiệp của PVOIL được xác định từ 31/12/2015 nên đến thời điểm này đã quá hạn.
Tuy nhiên việc xác định lại giá trị tài sản của PVOIL hiện đang gặp nhiều vướng mắc do liên quan tới việc xác định giá trị các lô đất lớn mà PVOIL đang thuê dài hạn và trả tiền theo năm.
Theo cách định giá trước đây, các lô đất thuê trả tiền hàng năm này không tính vào giá trị doanh nghiệp nhưng theo cách tính mới thì phải xác định lợi thế thương mại của lô đất thuê dạng này và quy ra giá trị cụ thể bằng tiền.
Trong khi đó, hiện Nhà nước chưa có bất cứ một hướng dẫn nào để làm căn cứ xác định lợi thế thương mại này. Vì vậy, PVOIL tiếp tục phải chờ hướng dẫn để có thể hoàn tất khâu xác định giá trị doanh nghiệp trước khi có thể đấu giá cổ phần theo lô và thực hiện thoái vốn theo lộ trình.
Đây không phải vấn đề riêng của PVOIL mà là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hoá gặp phải, ông Dương cho biết.
Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông lớn của PVOIL như KPI, Idemitsu, Vietjet… Tuy nhiên, nếu quá trình xác định giá trị doanh nghiệp này kéo dài thì nhà đầu tư cũng không thể chờ bởi trên thị trường chứng khoán thế giới và khu vực cũng có nhiều công ty xăng dầu có tiềm năng như PVOIL để đầu tư. Và sự chậm chễ này sẽ khiến PVOIL và nhiều doanh nghiệp có thể mất cơ hội, ông Dương cảnh báo.