Theo nhận định của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), cây sắn - một loại lương thực vốn chỉ dành cho người nghèo - “có tiềm năng lớn” để trở thành một trở thành “cây trồng của thế kỷ 21” nếu được trồng theo mô hình canh tác mới, thân thiện với môi trường. Trong báo cáo công bố ngày 28/5, FAO cho biết kể từ năm 2000, sản lượng sắn toàn cầu đã tăng 60%. Sản lượng của loại nông sản này có thể tăng tới 400%.
FAO nhấn mạnh sắn là loại lương thực có tiềm năng lớn. Tại Việt Nam, sản lượng sắn đã tăng từ 8,5 tấn lên 36 tấn. Cộng hòa Dân chủ Congo và Colombia cũng có sản lượng sắn “đầy ấn tượng”.
FAO cho biết cây sắn là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng. Củ sắn rất giàu carbohydrate và chứa nhiều protein, sắt, canxi, vitamin A và C. Những phần khác của cây sắn có thể được sử dụng làm thức ăn gia súc. Cây trồng này cũng có khả năng chống chịu bệnh dịch tốt. Nhu cầu đối với sắn gia tăng một phần do mặt hàng này được sử dụng thay thế cho lúa mỳ và ngô trong bối cảnh giá ngũ cốc tăng cao.
Báo cáo của FAO nhấn mạnh sắn có thể giúp các quốc gia đang phát triển xóa đói, giảm nghèo nếu cụ thể hóa được tiềm năng của cây sắn để tăng sản lượng của nông sản này.
TTXVN/Tin tức