Tái cơ cấu SBIC: Sau trục vớt đã sẵn sàng lại ra khơi

Đánh giá về kết quả tái cơ cấu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) trước đây, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC ví von với hình ảnh con tàu đã bị chìm sâu dưới đáy biển, sau quá trình tái cơ cấu đã được trục vớt lên mặt nước và hiện nay đã có đủ điều kiện để ra khơi.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC Nguyễn Ngọc Sự, việc thực hiện tái cơ cấu của Tổng công ty đến thời điểm này nhìn chung đúng hướng. Cụ thể, Tổng công ty đã cơ bản cơ cấu xong các khoản nợ nước ngoài (135 triệu USD). Đối với các khoản nợ trong nước giai đoạn 1 cũng đã cơ bản hoàn tất (16.613 tỷ đồng cả gốc và lãi). Tổng công ty đang tiếp tục cơ cấu các khoản nợ trong nước đợt giai đoạn 2, nợ trái phiếu quốc tế vay lại Bộ Tài chính và nợ nhà thầu để dự kiến hoàn thành trong quý I/2015. Trong năm 2015, SBIC sẽ phấn đấu tái cơ cấu xong khoản nợ còn lại khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tính đến nay, số lao động còn lại của toàn Tổng công ty khoảng 16.500 người; trong đó của Công ty mẹ và 8 đơn vị được giữ lại theo mô hình Tổng công ty chỉ còn gần 6.000 người. Như vậy, nếu chỉ tính về tái cơ cấu lao động của 8 đơn vị được giữ lại cùng với Công ty mẹ thì SBIC đã vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 1224 ngày 26/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin. Như vậy, nếu tính từ năm 2010 đến nay, thông qua việc tái cơ cấu lao động, SBIC đã giảm tới hơn 33.184 người. Chỉ riêng năm 2014, SBIC đã giảm trên 4.000 lao động.

SBIC bàn giao tàu cá vỏ thép cho ngư dân. Ảnh: TTXVN


Đối với 8 đơn vị được giữ lại, năm vừa qua, các đơn vị này cơ bản đã đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp không nợ lương và nợ tiền bảo hiểm cũng như đảm bảo các chính sách hỗ trợ khác cho lao động nghỉ việc. Lương cán bộ, công nhân viên bình quân là 5,7 triệu đồng/người/tháng trong khi năm 2013 là hơn 4,2 triệu đồng/người/tháng.

Trong số các đơn vị được giữ lại theo Đề án đã nổi lên những đơn vị có sự phục hồi vượt kỳ vọng như Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Sông Cấm – Bến Kiền đã có nhiều việc làm cho người lao động. Đáng chú ý, có đơn vị còn có công việc dự trữ cho hết năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số đơn vị gặp khó khăn như Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Phà Rừng, Cam Ranh.

Tính đến thời điểm đầu tháng 1/2015, SBIC đã hoàn thành tái cơ cấu, giảm đầu mối 100 đơn vị. Theo kết quả rà soát phân loại của SBIC, trong năm 2015, Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu 152 doanh nghiệp; trong đó còn khoảng 20 đơn vị Tổng công ty sở hữu dưới 20% vốn điều lệ. Đối với các đơn vị này, SBIC đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép đưa khỏi danh sách phải tái cơ cấu và sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn.

Cùng với việc tái cơ cấu Tổng công ty, các doanh nghiệp thành viên của SBIC cũng đang tích cực triển khai cổ phần hóa. Đến nay, SBIC đã thực hiện theo đúng lộ trình mà Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo. Cụ thể, trong 2 năm 2014 – 2015, SBIC phải cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa 8 doanh nghiệp được giữ lại. Riêng năm 2014, SBIC đã cổ phần hóa 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Tôn Vinashin và Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây. Đối với 6 đơn vị còn lại gồm: Bạch Đằng, Phà Rừng, Công nghiệp hàng hải Sài Gòn, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Cam Ranh, Thịnh Long, đến thời điểm này đã xác định xong giá trị doanh nghiệp và cũng đã trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc SBIC chia sẻ, sau khi xác định xong giá trị doanh nghiệp, cái khó nhất của SBIC là vấn đề âm vốn chủ sở hữu (phần vốn nhà nước). Trong khi muốn cổ phần hóa được thì vốn chủ sở hữu phải dương. Như vậy, việc xử lý tài chính là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất. Hiện SBIC đã thí điểm xử lý tại Công ty đóng tàu Hạ Long, Bộ Giao thông Vận tải đang báo cáo Chính phủ xem xét vấn đề này.

Ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định, đến thời điểm này, việc xử lý tài chính các đơn vị SBIC đều đã xây dựng phương án, nếu để dương vốn thì tất cả các khoản nợ, khoản lỗ sẽ được xử lý theo hướng chuyển về Công ty mẹ. Vì chỉ làm theo cách này mới có thể đẩy dương vốn chủ sở hữu tại các đơn vị thành viên, khi đó mới thực hiện được cổ phần doanh nghiệp.

Hiện tại đã có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp đóng tàu nên SBIC cũng đang xúc tiến đàm phán để bán. Theo đánh giá, nếu các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ đông tại các doanh nghiệp đóng tàu sẽ rất tốt bởi họ có thị trường, tiềm lực tài chính, công nghệ và khả năng bao tiêu được sản phẩm… qua đó sẽ mang công việc đến cho các doanh nghiệp liên kết. Ví dụ điển hình là Công ty Đóng tàu Bến Kiền trước đó thuộc diện đưa vào kế hoạch phá sản, tuy nhiên sau khi được sáp nhập vào Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm - một đơn vị có sự liên kết Tập đoàn Damen - Hà Lan thì ngay lập tức việc làm không hết, lương của người lao động tăng từ 3,5 triệu đồng/người/tháng lên 8,5 triệu đồng/ người/tháng. Hoặc Công ty Đóng tàu Hạ Long cũng có những dấu hiệu tích cực sau khi có hợp tác với các đối tác nước ngoài...

Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài, nhân rộng mô hình đã thành công tại một số doanh nghiệp như: Hyundai Vinashin, Damen Sông Cấm... Bước đầu đã có những tín hiệu khả quan với các đối tác lớn như: Tập đoàn Samsung, Damen Hà Lan, Veka Hà Lan và một số chủ tàu tiềm năng. Với định hướng này, một số đơn vị có điều kiện tốt (như Sông Cấm, Hạ Long, Cam Ranh) sẽ tiếp cận được nguồn vốn, kỹ thuật công nghệ và phương thức tổ chức quản lý tiên tiến, đặc biệt trong tổ chức quản lý thi công, rút ngắn thời gian thi công, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng quốc tế. Các đơn hàng trong nước và các đơn hàng sửa chữa sẽ được tập trung cho các doanh nghiệp còn lại.

Năm 2015, SBIC dự kiến giá trị sản xuất đạt 7.201,86 tỷ đồng, tăng 25,9% so với năm qua. Doanh thu và thu nhập khác dự kiến đạt 7.219 tỷ đồng; trong đó đóng tàu dự kiến đạt 4.723,7 tỷ đồng, sửa chữa tàu đạt 375 tỷ đồng.

Năm 2014, toàn Tổng công ty bàn đã giao 76/71 tàu, vượt kế hoạch 5 tàu. Trong đó có 33 tàu xuất khẩu với giá trị đạt 33,99 triệu USD và 43 tàu trong nước với giá trị đạt 166 triệu USD



Quang Toàn (TTXVN)

SBIC sẽ trả nợ của Vinashin
SBIC sẽ trả nợ của Vinashin

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã trả lời phỏng vấn sau quyết định thay đổi mô hình hoạt động của Vinashin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN