Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Khó kêu gọi nước ngoài "hùn vốn" cho các dự án nhiệt điện

Tại giao ban trực tuyến sản xuất của Bộ Công Thương diễn ra vào sáng 3/10, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho hay: Việc kêu gọi nước ngoài mua lại cổ phần các dự án nhiệt điện than do PVN làm chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn. 


Theo Trưởng ban Kế hoạch PVN Trần Quốc Việt, hiện việc sản xuất kinh doanh điện của PVN đang rơi vào tình thế “càng phát cao càng lỗ” khi số tiền Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ PVN đã nâng từ mức 8.000 tỷ đồng (quý II/2011) lên mức 10.000 tỷ đồng hiện nay. 


"Tình trạng nợ đọng tiền điện nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các dự án nhiệt điện than mà PVN đang triển khai mà còn khiến việc cổ phần hóa Tổng công ty Khí (PV Gas) - thành viên của PVN, cũng gặp khó khi hình thành nên một dây chuyền nợ: EVN nợ Tổng công ty Điện lực Dầu khí; Tổng công ty Điện lực Dầu khí lại nợ tiền khí của PV Gas", ông Việt cho hay. 


Trong khi đó, để đầu tư một dự án nhiệt điện quy mô công suất 1.200 MW đòi hỏi vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD; trong đó, PVN sẽ phải cân đối khoảng 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn đi vay. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có khó khăn, việc vay không đơn giản. Vì thế PVN có chủ trương mời gọi các nhà cung cấp vật tư thiết bị tham gia vào thu xếp vốn, bên cạnh tìm kiếm các nhà đầu tư cùng hợp tác. Khi thấy được hiệu quả, đặc biệt là rõ ràng về giá điện thì nhà đầu tư cũng tính được bài toán kinh tế để tham gia mạnh mẽ hơn.


Theo Kế hoạch Đầu tư của PVN giai đoạn 2011-2015, dự kiến tổng mức đầu tư cho lĩnh vực khí điện của PVN lên tới 314.000 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các dự án như: Đường ống dẫn khí lô B- Ô Môn hoàn thành 2012; Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2; các dự án nhiệt điện như: Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1.


Nguyễn Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN