Bộ Chỉ tiêu sản xuất công nghiệp (IIP) hàng tháng (bao gồm chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ, chỉ số tồn kho) mới được Tổng cục Thống kê chính thức áp dụng kể từ tháng 6/2011 và thay thế toàn bộ cho Chỉ tiêu IIP hàng tháng theo giá cố định năm 1994.
Đây là thông tin được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Đỗ Thức thông báo tại Hội nghị công bố Thông tư số 07/2011/TT-BKHĐT, ngày 8/6.
Theo ông Đỗ Thức, với giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) chiếm hơn 1/3 GDP cả nước, IIP luôn là chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh toàn bộ kết quả sản xuất công nghiệp, quy mô sản xuất công nghiệp trong nền kinh tế, là căn cứ để tính GDP tăng thêm của ngành công nghiệp; là một trong những căn cứ để điều hành nền kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, sau 17 năm sử dụng, IIP hàng tháng theo giá cố định năm 1994 đang bộc lộ những khiếm khuyết do không còn phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, cơ cấu ngành công nghiệp cũng như giá cả thực tế; dẫn tới việc đánh giá kết quả SXCN và tính chỉ tiêu giá trị tăng thêm, GDP ngành công nghiệp không phản ánh đúng thực tế. Vì vậy, việc nghiên cứu và chính thức đưa vào áp dụng Bộ chỉ tiêu mới phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, của ngành công nghiệp và giá cả thực tế hiện nay là đòi hỏi cấp thiết.
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp TCTK Phạm Đình Thúy cho rằng, điểm ưu việt của Bộ chỉ tiêu mới là việc chọn mẫu điều tra ít hơn so với phương pháp cũ nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy cao nên tiết kiệm được nguồn lực, thời gian điều tra và xử lý kết quả.
Phương pháp mới cũng cho kết quả phản ánh đúng xu hướng và sát với kết quả sản xuất thực chất của ngành công nghiệp toàn quốc và 63 tỉnh, thành. Đặc biệt, phương pháp mới cho kết quả phong phú, chi tiết, đa dạng, được tổng hợp và công bố đến ngành công nghiệp cấp 4 hàng tháng so với phương pháp trước đây - không phân ngành và hàng quý phân ngành đến cấp I. Ngoài ra, Bộ chỉ tiêu mới cung cấp thông tin phong phú, phản ánh đầy đủ chu kỳ sản xuất, tiêu thụ, tồn kho của ngành công nghiệp; cũng như đảm bảo so sánh quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ Chỉ tiêu IIP mới vẫn còn những hạn chế nhất định mà đến nay các nước trên thế giới vẫn phải chấp nhận như phản ánh bằng số tương đối (%) mà không phản ánh bằng giá trị tuyệt đối. Bộ chỉ tiêu mới sử dụng năm gốc để so sánh nên không phản ánh hoàn toàn đầy đủ biến động về cơ cấu ngành công nghiệp của những năm sau năm gốc.
Theo TCTK, Bộ chỉ tiêu mới về SXCN đã được đưa vào Niên giám Thống kê Liên hợp quốc và Niên giám của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).
Nguyễn Kim Anh