Thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đi về đâu?

Khái niệm “mua hàng trực tuyến” tuy không còn mới mẻ, nhưng số người ghé vào website trở thành “người mua" vẫn còn khá thấp. Đã ngót nghét chục năm kể từ khi thương mại điện tử (TMĐT) có mặt tại Việt Nam, nhưng cho đến nay, việc mua sắm mới trên kênh này vẫn chỉ phổ biến ở việc tìm thông tin trên mạng sau đó giao dịch trực tiếp với người bán.

Các đại gia buông lơi?

Không như kỳ vọng của nhiều người, năm 2009 vẫn chưa là năm thị trường TMĐT thực sự khởi sắc và bức phá. So với thời điểm cách đây 3, 4 năm, tất cả dường như chỉ mới dừng lại ở mức... sơ khai. Mua hàng trực tuyến dù không còn là khái niệm mới mẻ nhưng số người dùng trở thành “người mua" vẫn còn khá thấp. Sự trì trệ này chung quy bởi người dùng vẫn chưa có được những lợi ích đáng kể so với việc mua hàng truyền thống trong khi vẫn có không ít rủi ro và bất tiện khi mua qua mạng. Việc mua sắm mới chỉ phổ biến ở việc tìm thông tin trên mạng và giao dịch trực tiếp với người bán sau đó.

Lĩnh vực “dot.com” trong thời gian qua cũng không tránh khỏi sự suy thoái chung của nền kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, không ít website như Golmart, Muabanraovat, 1001shopping không còn giữ được sự nhiệt tình ban đầu sau một hành trình dài. Một website được đầu tư lớn là 123mua cũng gần như buông xuôi và không còn mấy mặn mà với cuộc chơi. Điều này nói lên rằng TMĐT thực sự là một cuộc đua đường trường, chỉ những công ty đủ tiềm lực và xác định đầu tư lâu dài mới có thể tồn tại và phát triển. Tư duy "ăn sổi" chắc chắn sẽ không có chỗ đứng trong sân chơi này.

Trên thị trường TMĐT Việt Nam hiện tại còn lại 4 “ông lớn” là Chợđiệntử.vn, VCCorp, Vatgia và 5giay. Trong đó, Chợđiệntử.vn được xem là cộng đồng mua – bán trên mạng Internet sầm uất và uy tín nhất, phục vụ hơn 500.000 thành viên và hàng nghìn doanh nghiệp tham gia giao thương mua bán ổn định hàng ngày. Đây cũng là website TMĐT có mô hình hoạt động theo hướng sàn giao dịch TMĐT đầy đủ và hoàn toàn trực tuyến chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Điều này giúp cho Chợđiệntử.vn hoàn toàn khác biệt với các website khác theo mô hình cộng đồng rao vặt hoặc so sánh giá.

Các xu thế thị trường

Xu thế "phổ thông hóa" việc mua sắm qua mạng không còn phải bàn cãi. Với hơn 22 triệu người dùng Internet vào thời điểm tháng 12/2009 (theo VNNIC) và dự kiến tăng đến hơn 40 triệu vào năm 2015 cùng sự hoàn thiện nhanh các yếu tố về hạ tầng (CNTT, luật pháp, chuyển phát…), VN được đánh giá là thị trường TMĐT rộng lớn và hết sức màu mỡ. Sau đây là một vài nhận định về xu thế của TMĐT Việt Nam trong năm 2010:

Tìm kiếm thông tin vẫn là hành vi mua hàng phổ biến. Xu hướng chung của thị trường hiện nay là phát triển từ mức sơ khai khi các website rao vặt, các diễn đàn (C2C) chiếm thế thượng phong bởi gắn liền với hành vi mua hàng theo các truyền thống với sự "dẫn đường" của internet. Các website hỗ trợ đặt hàng trực tuyến (B2C, C2C) sẽ là sự lựa chọn tiếp theo khi người dùng cần và nhận được nhiều tiện ích hơn. Các hình thức giao dịch giữa DN với nhau (B2B) dần phổ biến theo sự sẵn sàng và lợi ích tương đối đáng kể mà mô hình này mang lại.

Thanh toán trực tuyến trên đà phát triển về chiều sâu. Sự nổ rộ các hình thức thanh toán trực tuyến khác nhau thời gian qua sẽ không tái diễn mà thay vào đó là sự thanh lọc và đầu tư có chiều sâu từ các công ty còn lại. Thực tế là mỗi thị trường chỉ có khoảng 2 đến 3 nhà cung cấp dịch vụ bởi phần lớn người dùng thường mua sẽ không muốn rối rắm khi phải tiếp cận quá nhiều phương thức thanh toán trực tuyến khác nhau mỗi lần đặt mua. An toàn vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dùng khi quyết định sử dụng dịch vụ, sự tiện lợi đóng vai trò thứ yếu tiếp theo. Hiện nay, Ngânlượng.vn là công cụ thanh toán trực tuyến được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, với số lượng người dùng Ngânlượng.vn lên tới 100.000, con số này lớn hơn nhiều so với tổng số 70.000 người dùng sản phẩm của cả 3 công ty là MobiVi, VietUnion và VNPay cộng lại. Ngânlượng.vn có được lượng người dùng lớn như vậy bởi website này bảo vệ về mặt pháp lý cho người sử dụng. Thông qua hình thức “thanh toán tạm giữ”, cả ngươi bán hàng và người mua đều được đảm bảo an toàn khi giao dịch thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, phương thức nhận hàng-thanh toán (COD) được nhận định sẽ tiếp tục là sự lựa chọn được sự ưu chuộng.

Ra đời nhiều website chuyên biệt theo nghành hàng. Sau một năm chững lại, các website chuyên biệt theo ngành hàng sẽ còn nở rộ trong thời gian tới đặt biệt với nghành hàng quần áo, đồ thời trang khi đây vốn thường là mặt hàng được bán chạy nhiều nhất trên mạng. Những site hướng vào các thị trường ngóc ngách là những site phục vụ tốt nhất những khách hàng của phân khúc đặc thù đấy.

Các đối thủ chính vẫn tập trung vào liên kết thông tin. Hầu hết các site vẫn chú trọng khả năng cung cấp thông tin một cách toàn diện bên cạnh khai thác các phương thức thanh toán, chuyển phát hàng sẵn có của bên thứ 3. Sẽ không có nhiều chuyển biến về chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dùng.

Thị trường TMĐT tại các tỉnh vẫn còn bỏ ngõ. Do nhiều yếu tố cộng hưởng nên DN tại các tỉnh vẫn chưa sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, điều này sẽ dần thay đổi khi lượng người mua tăng lên đáng kể trong 1-2 năm tới cùng với sự tham gia của các đơn vị cung cấp giải pháp và các cơ quan hữu quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN