Trong khuôn khổ triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 9 về phương tiện giao thông và công nghiệp phụ trợ (Vietnam Autoexpro 2012), ngày 22/6, tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) đã diễn ra hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển thị trường ô tô Việt Nam”.Nói về thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Ngô Văn Trụ chia sẻ, thị trường ô tô Việt Nam nhỏ và phân tán, số lượng nhỏ, khó thu hút đầu tư vào nội địa dẫn đến ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển.
Triển lãm Vietnam Autoexpro 2012. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
|
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp hỗ trợ, trong khi con số này ở Indonesia (Inđônêxia) là 250, Malaysia (Malaixia) là 400 và Thái Lan là 2.500 doanh nghiệp. Cũng do công nghiệp hỗ trợ kém, chi phí cho sản xuất xe cao, nên khả năng cạnh tranh thấp so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Bên cạnh đó, lộ trình giảm thuế xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đang có xu hướng giảm dần, từ mức 83% năm 2009, đến năm 2014 là còn 40% và đến năm 2018 chỉ là 0%. Khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc rẻ hơn xe lắp ráp trong nước và tất cả xe mới có thể đều là xe nhập khẩu nguyên chiếc, không có sản xuất xe sau năm 2018.
Một điều khẳng định rằng, nếu không có ngành công nghiệp ô tô sau năm 2018, chúng ta phải nhập nhiều xe nguyên chiếc, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn, khoảng 12 tỷ USD/năm.
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô trong nước khi chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) bằng 0% vào năm 2018, Bộ Công Thương đã xây dựng quy hoạch ô tô mới đến năm 2020 nhưng qua nhiều lần tham khảo ý kiến của các bộ ngành liên quan việc hoàn thiện quy hoạch này vẫn dậm chân tại chỗ.
Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, vấn đề then chốt nhất vẫn là “sản lượng” sản xuất xe hàng loạt để tăng nội địa hóa, nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời tập trung vào dòng xe chủ đạo bằng chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Cùng với ưu đãi của Chính phủ, nhà sản xuất tăng sản lượng, nỗ lực giảm chi phí sản xuất; phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa... mới giảm được thặng dư thương mại.
Từ xuất phát điểm trên, Bộ Công Thương đã đề xuất: cùng với nỗ lực giảm chi phí của nhà sản xuất, cộng với ưu đãi giảm 50% thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm sẽ có thể đáp ứng được yêu cầu về sản lượng và nội địa hóa của quy hoạch mới.
Có thể nói, công nghiệp ô tô Việt Nam đang bị “ép” giữa một bên là mong muốn phát triển và một bên là thu hẹp thị trường do hạn chế tiêu dùng. Đặc biệt, thời gian gần đây, người tiêu dùng lo sợ phải chịu hàng loạt loại phí khi sử dụng xe ô tô, đặc biệt là với ý tưởng thu phí hạn chế xe cá nhân từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng/đầu xe khiến cho sản lượng xe sản xuất trong nước tiêu thụ giảm mạnh, thị trường trở nên ế ẩm, nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc.
Dựa theo số liệu bán hàng 4 tháng đầu năm của các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thì tổng doanh số bán hàng trong cả năm 2012 được tính toán theo hệ số điều chỉnh theo mùa sẽ giảm xuống chỉ còn 81.000 xe, có thể quay về thấp điểm như năm 2007.
Theo tính toán của VAMA, với sản lượng xe tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm giảm 21.331 chiếc so với cùng kỳ năm trước, tính trung bình 500 triệu đồng/xe con, dự báo nguồn thu từ thuế của nhà nước sẽ bị giảm khoảng 6.000 tỷ đồng (290 triệu USD) trong năm 2012.
Theo Chủ tịch Hội kỹ sư ô tô Việt Nam Đỗ Hữu Hào, từ nay đến năm 2018, Việt Nam phải có cơ chế, chính sách rõ ràng. Theo đó, có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô còn khoảng 20%, trong đó, những dòng xe sang có thể tăng thuế cao hơn gấp mấy lần, giúp nhà nước có thêm nguồn thu và giảm được nhập siêu từ những dòng xe sang này.
Ông Hào cũng cho rằng, điểm tắc nghẽn hiện nay của ngành công nghiệp ô tô chính là cơ chế, chính sách, chưa tìm được tiếng nói chung giữa các cơ quan quản lý. Chính phủ cần gỡ “nút thắt” này để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời cần tuyên bố các loại thuế, chính sách thuế ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, người tiêu dùng khỏi hoang mang vì các loại phí...
Trước đó, để “cứu” thị trường, VAMA đã đề xuất Chính phủ thực hiện một số biện pháp như tuyên bố hủy bỏ đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, giảm mức lệ phí trước bạ xuống một tỷ lệ hợp lý.
Văn Xuyên