Diễn ra sáng qua (13/10) tại Hà Nội, Hội nghị về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai do Nhóm sáng kiến mạng lưới vận động chính sách về giảm nhẹ thiên tai (Dự án JANI), Liên minh Cứu trợ trẻ em, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Hội Truyền thông thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, nhân "Ngày Quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai", đã thu hút được sự tham gia của 400 đại biểu trong và ngoài nước. Với chủ đề “Các thành phố thích ứng với thiên tai - Thành phố của tôi đã sẵn sàng”, các đại biểu đã tập trung tìm giải pháp để giúp xây dựng Hà Nội và các thành phố khác của Việt Nam trở thành thành phố thích ứng với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu...
Cả thế giới chung tay
“Các thành phố thích ứng với thiên tai - Thành phố của tôi đã sẵn sàng” cũng chính là chủ đề của chiến dịch toàn cầu cho năm 2010 về truyền thông và hành động nhằm nâng cao nhận thức phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai của Liên hợp quốc.
Cách đây hơn một năm, vào tháng 4//2009, bà Federica Ranghieri, chuyên viên về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, tác giả của cuốn cẩm nang "Xây dựng thành phố thích ứng với khí hậu” đã công bố: Ngân hàng Thế giới đã chọn ba thành phố gồm Hà Nội, Đồng Hới và Cần Thơ của Việt Nam là những thành phố thí điểm để triển khai “Thành phố thích ứng”.
Năm 2010, nhóm các Tổ chức Liên hợp quốc và các Tổ chức Phi chính phủ Quốc tế trong Nhóm sáng kiến mạng lưới vận động chính sách về giảm nhẹ thiên tai (Dự án JANI) đã lựa chọn Thủ đô Hà Nội làm địa điểm tổ chức sự kiện này vào ngày 13/10.
"Việt Nam thuộc vào nhóm các nước sẽ chịu hậu quả nặng nhất của thay đổi khí hậu. Vấn đề này không còn là của tương lai mà là thực tế đã và đang diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều diễn biến thời tiết khó lường và nạn lũ lụt. Những nguy cơ gắn với thay đổi khí hậu đặt Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước trước những thách thức đặc biệt trong phát triển bền vững. Việt Nam hiện đang giữa mùa mưa lũ của năm 2010. Mưa lớn kéo theo ngập lụt ở các tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế đe dọa sinh kế của khoảng 300.000 người và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Chỉ riêng năm 2009, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của hai trận bão lớn là Ketsana và Mirinae – hai trận bão này đã tàn phá nặng nề các tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam" - đại diện Liên hợp quốc khẳng định.
Chủ đề cho Ngày Quốc tế phòng chống, giảm nhẹ thiên tai năm nay liên quan mật thiết tới chiến dịch toàn cầu về “xây dựng thành phố thích ứng với thiên tai” nhằm nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách và công chúng về rủi ro thiên tai đối với khu vực đô thị. Chiến dịch của Văn phòng Liên hợp quốc về chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai (UNISDR) phát động những giải pháp phòng ngừa như việc xây dựng quy chế thiết thực nhằm giảm thiểu rủi ro trong ngành xây dựng, kế hoạch sử dụng đất hay bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các vùng đệm cho các khu vực rủi ro thiên tai. Chiến dịch 10 điểm tương đồng cũng trợ giúp các chính quyền thành phố chủ động trong kế hoạch phân bổ kinh phí cho các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hiện có hơn 100 thành phố với gần 110 triệu dân đã ký cam kết 10 điểm hành động cho “Thành phố thích ứng với thiên tai” như ở các thành phố của Philíppin, Thái Lan, Nhật Bản, Mêhicô...
Đối mặt để thích ứng
Theo GS - TS Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, Việt Nam đang phải đối mặt với những diễn biến bất thường về thời tiết. Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã chịu một đợt hạn, thiếu nước sản xuất trên tất cả các triền sông, các hồ chứa bị cạn kiệt, nắng nóng liên tiếp kéo dài trên khắp cả nước, thời tiết oi bức, nhiệt độ lên tới 39 - 40OC. Đến nay, nhiều hồ chứa lớn khu vực Bắc bộ, Nam bộ vẫn còn thiếu nước, mới tích được từ 50 - 70% dung tích. Giữa tháng 7 và tháng 8 đã xảy ra 3 cơn bão ảnh hưởng tới các tỉnh ven biển Bắc bộ, Bắc Trung bộ và gây mưa, lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc; và mới đây, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng một đợt mưa lũ lớn, gây ngập lụt trên diện rộng, nhiều làng, xã bị ngập sâu và chia cắt dài ngày. Tính đến ngày hôm nay, số người chết và mất tích là 83 người, hơn 2.000 ngôi nhà bị sập, trôi, gần 151.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, ước thiệt hại hơn 2.500 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, thiên tai cũng đã đe dọa đến sự phát triển của các đô thị Việt Nam. Trận mưa tháng 11/2008 gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều địa phương đồng bằng Bắc bộ, trong đó Thủ đô Hà Nội đã có 90 điểm ngập sâu từ 0,3 - 1,2 m; triều cường dâng cao nhất trong vòng 49 năm qua ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; ngập lụt tại thành phố Huế và các thành phố, thị xã khu vực miền Trung và Nam Trung bộ.
Thực tiễn đó cho thấy, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu không còn là của tương lai mà là thực tế đã và đang diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều diễn biến thời tiết khó lường.
“Việt Nam đã từng bước hình thành hệ thống quan điểm và giải pháp ứng xử mang tính tổng hợp để thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, và khắc phục có hiệu quả, lấy chủ động phòng tránh là chính. Điều đó được thể hiện trong Chiến lược quốc gia phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chiến lược xóa đói giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu... Chúng ta đã từng bước củng cố hệ thống đê điều, hồ chứa; các tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam được củng cố, nâng cấp, tiếp đến là các tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; hệ thống công trình thủy lợi, cống ngăn mặn, giữ ngọt, cơ sở hạ tầng trường học, trạm xá, đường giao thông vượt lũ cũng từng bước được củng cố, nâng cấp”..., Thứ trưởng Đào Xuân Học khẳng định.
Theo Thứ trưởng Đào Xuân Học, với mục tiêu duy trì sự phát triển bền vững, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trước thiên tai, tăng cường khả năng ứng phó, phục hồi trước thiên tai đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, chủ động hơn nữa trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước củng cố hạ tầng cơ sở, cũng như khả năng của cộng đồng trong việc đối phó, phục hồi trước thiên tai, đối phó với các thách thức mới như ngập lụt đô thị, biến đổi khí hậu toàn cầu..., đồng thời tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về giảm nhẹ thiên tai, cùng với khu vực và thế giới xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai.