Theo thống kê của Hiệp hội giao nhận ngoại thương Việt Nam (VIFFAS), Việt Nam hiện có trên 800 công ty giao nhận vận tải, trong đó có 70% là doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ.
Do vậy đến nay hầu như vẫn chưa có công ty logistics (kho vận, giao nhận hàng hóa) nội địa nào có thể đảm nhiệm toàn bộ chuỗi dịch vụ trọn gói cho khách hàng mà chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ logistics đơn giản như: Khai báo hải quan, vận tải hàng hóa bằng xe tải và container.
Theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng - Trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải), hoạt động logistics đang gặp nhiều khó khăn do luật pháp và thể chế rời rạc, không hiệu quả; cơ sở hạ tầng thiếu và yếu kém; các nhà cung ứng dịch vụ có quy mô nhỏ, không tập trung; công nghệ, cơ sở vật chất thiếu.
Để gia tăng hiệu quả cho công tác vận tải hàng hóa, theo TS Hùng cần xây dựng khung phát triển năng lực dài hạn, cải cách quản lý Nhà nước và dịch vụ logistics; phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, trực tuyến; thiết lập mạng lưới các nhà cung ứng và khách hàng logistics giao nhận và vận tải...
Tiến sĩ Hoàng Thanh Minh - chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng: hoạt động vận tải hàng hóa ở Việt Nam hiện chủ yếu là các công ty vận tải hoạt động nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh thấp; phương tiện thông tin liên lạc thô sơ, chậm, phức tạp, chưa minh bạch. Điều này sẽ tạo ra những hệ lụy như vận tải hàng hóa không hiệu quả, chi phí cao, giá thành vận tải cao; gây tắc đường, lượng khí thải CO2 cao gây ô nhiễm môi trường; các doanh nghiệp vận tải Việt Nam thất thế trước các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, cần áp dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa; minh bạch hóa các hoạt động vận tải; nâng cao hiệu suất vận tải.
PBT