Theo đó, từ năm 2019 đến nay, các đơn vị thành viên của VICEM gồm: Bút Sơn, Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Mai, Hạ Long, Tam Điệp, Hà Tiên đã tiến hành sửa chữa, cải tạo 8 nút thắt. Mục tiêu được VICEM đặt ra là nâng cao năng suất, giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng được than có nhiệt trị thấp cho sản xuất xi măng.
Qua chương trình đã giúp các doanh nghiệp trong hệ thống VICEM tiết giảm tiêu hao nhiệt, ổn định chất lượng clinker do clinker được làm nguội nhanh và ổn định trong quá trình vận hành và hạn chế được tình trạng tượng ghi cũng như dòng sông đỏ. Cùng đó, chương trình này còn góp phần tăng năng suất, nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị để giảm tiêu hao điện năng.
Hệ thống calciner được mở rộng, tăng thời gian lưu nên ngoài việc đốt than có nhiệt trị thấp còn có khả năng đốt nhiên liệu thay thế góp phần tăng hiệu quả sản xuất và xử lý môi trường. Nhờ giảm thiểu tối đa hiện tượng bám dính hệ thống, tránh được hiện tượng bột liệu từ C4 bị rơi xuống thẳng vào lò hoặc bị rơi vào ống gió 3. Đặc biệt, các dây chuyền sản xuất còn sử dụng được than có nhiệt trị thấp, phù hợp với bối cảnh nguồn cung có chất lượng cao đang ngày càng khan hiếm, giá cả càng leo thang. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp chủ động nguồn than, ổn định sản xuất.
Theo ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc VICEM, việc cải tạo chiều sâu xử lý "nút thắt" tại các nhà máy là nỗ lực của khối kỹ thuật toàn Tổng công ty trong việc thực hiện chương trình đổi mới sáng tạo thời gian qua. "Hiệu quả đạt được không chỉ mang lại bằng tiền mà còn có ý nghĩa về xã hội to lớn trong việc tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, VICEM đã khẳng định khả năng làm chủ thiết bị, làm chủ khoa học kỹ thuật của đội ngũ cán bộ; tạo động lực sáng tạo", ông Khánh cho hay.
Thời gian tới, VICEM sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa chữa cải tạo các thiết bị liên quan để sử dụng than phẩm cấp thấp, đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, đốt rác thải, triệt để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trong quá trình thực hiện, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh yêu cầu các đơn vị thành viên triệt để tuân thủ quy định và xây dựng quy chế, quy định cụ thể để chủ động công việc. Chương trình đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh xây dựng VICEM phát triển bền vững.
Trưởng phòng Kỹ thuật VICEM Nguyễn Văn Chảng chia sẻ, việc sửa chữa xử lý các nút thắt bước đầu đã đáp ứng mục tiêu đề ra như tiến độ, chất lượng sau sửa chữa và đảm bảo tuyệt đối an toàn; tăng công suất, năng suất lao động, tiết giảm tiêu hao năng lượng. Các nút thắt đã triển khai là một phần trong chương trình đổi mới sáng tạo của VICEM, góp phần không nhỏ trong việc hướng tới sử dụng hiệu quả nguyên nhiên liệu là các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, nhiên liệu thay thế.
Với chi phí thực hiện thấp hơn nhiều so với suất đầu tư nhà máy, dây chuyền mới, kết quả về tăng năng lực sản xuất và giảm chi phí giá thành đã đạt được ở nhiều đơn vị thành viên. Kết quả này chính là đã góp phần sử dụng hiệu quả vốn nhà nước, tăng năng lực và vị thế của VICEM trên thị trường xi măng trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, những kinh nghiệm có được trong quá trình xử lý nút thắt là tiền đề quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả quản lý các dự án đầu tư của VICEM về việc lập kế hoạch, xây dựng phương án kỹ thuật, tiến độ, chi phí và hiệu quả kinh tế.
Những giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai là tài liệu, tri thức quý của VICEM. Tài liệu, tri thức này sẽ tiếp tục được đội ngũ kỹ thuật VICEM đánh giá trong thực tiễn sản xuất, nghiên cứu, cải tiến… hướng đến làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu thiết kế, phối hợp chế tạo thiết bị cho công nghiệp sản xuất xi măng và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Chương trình không chỉ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ kỹ thuật mà còn trở thành động lực thúc đẩy để lực lượng kỹ thuật vững tin thực hiện thêm nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo tại nhiều dự án trong thời gian tới.