Đó là đánh giá của Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, ông Nguyễn Văn Long, tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Nghị định 78 ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Thực tế đã chứng minh, trong 20 năm qua, nguồn vốn chính sách tác động mạnh mẽ, tạo sức sống mới trên khắp miền đất đỏ Đông Nam Bộ này.
Theo báo cáo, huyện Phú Giáo đã tập trung các nguồn lực tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay hơn 90.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền gần 14.000 tỷ đồng. Vốn ưu đãi của Nhà nước được đầu tư đến 100% thôn xã trong toàn huyện, tạo điều kiện cho hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận thuận lợi, kịp thời tới nguồn vốn ưu đãi để chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Cụ thể, đã góp phần quan trọng giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2021 còn 0,35%, trong đó đáng kể đến việc thu hút tạo việc làm, thu nhập thường xuyên, ổn định cho 12.000 lao động, hỗ trợ hơn 5.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay vốn học tập, giúp đỡ 22.000 gia đình xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.
Thành tựu lớn lao đó phản ánh sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, doanh nghiệp, doanh nhân trong đó có NHCSXH đóng trên địa bàn làm động lực chính, thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Quốc Du, Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH Phú Giáo cho biết, ngay từ khi thành lập (2003), đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ, tập trung huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối, đồng thời vừa tổ chức mở rộng, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước thông qua phương thức thực hiện và đổi mới quy trình, thủ tục cấp tín dụng đặc thù.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ngân hàng chính sách cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó của các thế hệ cán bộ, nhân viên NHCSXH, nên hoạt động tín dụng của đơn vị được triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, thông suốt. Trải qua 20 năm hoạt động, tính đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn chính sách tại Phú Giáo đạt hơn 627 tỷ đồng, tăng gấp 106 lần so với thời điểm thành lập, trong đó vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đến 204 tỷ đồng, chiếm 30% tổng số vốn, bởi các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn đã quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách, thường xuyên chỉ đạo sâu sát việc chuyển giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chỉ định, đặc thù.
Toàn bộ nguồn vốn được Trung ương cấp và tỉnh, huyện ủy thác, đã được những cán bộ tín dụng chính sách Phú Giáo tận tụy, hối hả chuyển tải về 11 Điểm giao dịch xã, phân bổ tới 229 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn xóm, khu dân cư giúp người dân có vốn, có điều kiện thâm canh ruộng vườn, khôi phục làng nghề, mở rộng sản phẩm dịch vụ, phát triển kinh tế xã hội, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Tuấn, sinh năm 1976, ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, được Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Giáo cho vay số tiền 50 triệu từ chương trình giải quyết việc làm. Với số vốn ban đầu, anh quyết định đầu tư nuôi dê. Nhờ chịu khó học hỏi, chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn dê của gia đình anh Tuấn tăng đều đặn, cho thu nhập ổn định. Gia đình anh không chỉ trả nợ hết cho ngân hàng mà còn có của ăn của để. Theo anh Bùi Văn Tuấn, được tiếp cận với nguồn vốn này, anh thấy đây là một trong những chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước đem đến cho người dân có hoàn cảnh khó khăn như anh.
Cũng như gia đình anh Bùi Văn Tuấn, gia đình ông Bùi Văn Soạn, 65 tuổi, ngụ ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Ông Soạn cho biết trước kia nhà ông thuộc diện hộ nghèo, do con cái đông, không có đất sản xuất nên cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn. Năm 2017, ông được vay vốn tín dụng ngân hàng chính sách với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Từ cặp bò mẹ ban đầu, sau hơn 1 năm gia đình đã có thêm một cặp bê con. Đến nay cặp bò cái của gia đình đã có 3 lần sinh sản, với 6 con bò con. 4 con trước ông bán được 150 triệu đồng. Nhờ đó gia đình cũng thoát được nghèo và còn được xét vay lại số tiền 120 triệu đồng để mở rộng cơ sở chăn nuôi.
Nhìn lại quá trình hoạt động 20 năm của NHCSXH Phú Giáo cho thấy kết quả đạt được rõ rệt. Vốn tín dụng chính sách tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng của huyện, đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đoàn kết toàn dân không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.