Chung sức xây dựng nông thôn mới: Thành công nhờ lấy người dân làm chủ

Sau hơn 8 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới dịp tháng 3/2019, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang lên 30 xã

Chú thích ảnh

Năm 2011, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Nam có 8/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,33%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,2 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng còn kém đồng bộ và chưa hoàn chỉnh…

Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã xây dựng kế hoạch, phân công và xác định thực hiện các công việc theo thứ tự ưu tiên với các giải pháp cụ thể. Trong đó, xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân triển khai; tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, ngành nghề thủ công nhằm phát huy lợi thế của từng thôn trên địa bàn xã.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, giải pháp được Đảng ủy, chính quyền xã Sơn Nam triển khai là phát huy được vai trò của người dân, lấy người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động làm cho người dân hiểu Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ đời sống của người dân tốt hơn. Qua đó, người dân không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, thay vào đó là sự nỗ lực và đồng thuận.

Ông Đặng Văn Cường, Bí thư Chi bộ thôn Vườn Quan, xã Sơn Nam, cho biết, các thành viên Ban công tác Mặt trận của thôn được phân công đến từng hộ tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích của Chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động người dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng quê hương. Qua quá trình vận động, đến nay người dân trong thôn đã làm được trên 1.500 mét đường bê tông và tự nguyện hiến hơn 1.100 mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa. Nhờ xây dựng nông thôn mới, cuộc sống người dân ngày càng ổn định và phát triển, thu nhập bình quân của thôn đạt 30 triệu đồng/người/năm.

Bà Nguyễn Thị Hường, thôn Vườn Quan, xã Sơn Nam, chia sẻ: Sau khi nghe giải thích về lợi ích của Chương trình xây dựng nông thôn mới, thông qua bàn bạc với gia đình, bà đã quyết định hiến gần 300 mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa thôn. Trước đây, nhà văn hóa thôn nằm ở trong ngõ, đi họp rất bất tiện. Khi có nhà văn hóa mới khang trang, sạch đẹp, thuận lợi trong việc đi lại, cả xóm ai cũng phấn khởi. 

Xác định phát triển hệ thống giao thông là vấn đề then chốt để phát triển kinh tế, xã Yên Nguyên đã xây dựng các chương trình, kế hoạch với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia. Qua đó, tại nhiều thôn, bản, việc thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào sôi nổi, người dân không chỉ góp tiền, góp công làm đường mà nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất để mở rộng tuyến đường huyết mạch, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Năm 2011, xã Sơn Nam có hơn 90 km đường giao thông nông thôn, trong đó hơn 73 km chưa đạt chuẩn, nhưng đến nay xã Sơn Nam đã hoàn thành bê tông hóa được gần 50,4 km đường các loại; 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 85% đường trục thôn được cứng hóa, đạt tỷ lệ quy định của vùng; 100% đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa; 24/24 thôn đều có đường ô tô đi lại đến khu dân cư. 

Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Sơn Nam xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ; phối hợp với các công ty, khu công nghiệp, tạo việc làm cho lao động trong độ tuổi, tập trung thực hiện quyết liệt các dự án thuộc nguồn vốn nông thôn mới, vốn các chương trình lồng ghép khác cho phát triển sản xuất... Cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Sơn Nam đạt gần 33 triệu đồng/người/năm, cao gấp hơn 2,5 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,3%  năm 2011 đến cuối năm 2018 chỉ còn 7,2%. Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn.

Theo anh Hoàng Văn Thắng, thôn Cao Đá, xã Sơn Nam, năm 2015, gia đình anh được hỗ trợ cho vay 300 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt. Sau 4 năm tập trung vào chăn nuôi, anh đã trả hết số nợ trên và mở thêm 1 xưởng chế biến gỗ, tạo việc làm cho 9 lao động địa phương với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, có một số vốn để lo cho tương lai các con sau này.

Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam cho biết: "Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thấy rằng việc tuyên truyền, vận động người dân chung tay thực hiện là vấn đề then chốt và quan trọng nhất. Được người dân ủng hộ thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Thời gian tới, xã Sơn Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tập trung phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế nhằm giữ vững, củng cố và phát triển thành quả nông thôn mới."

Đạt chuẩn xã nông thôn mới sẽ là động lực lớn để xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã ngày càng phát triển, người dân ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ nông thôn mới./.

Quang Cường
Hải Dương: Huyện Nam Sách đạt chuẩn nông thôn mới
Hải Dương: Huyện Nam Sách đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa quyết định công nhận huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN