8 nhà máy thủy điện nợ hơn 11 tỷ đồng
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, đến thời điểm này vẫn còn 8 nhà máy thủy điện nợ tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 với tổng số tiền hơn 11 tỷ động. Trước tình trạng đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc “các trường hợp nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng kéo dài trên địa bàn tỉnh” của nhiều doanh nghiệp từ tháng 1.2011 đến nay.
Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Kon Tum trao học bổng "đồng hành cùng em đến trường" |
Trong các doanh nghiệp nợ thì có 7 nhà máy thủy điện chưa chi trả đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2011 và lãi chậm nộp từ năm 2011-2014 trên 3,8 tỷ đồng gồm: Nhà máy Thủy điện Đăk Pô Ne 2, Đăk Pô Ne 2AB (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gia Nghi); Nhà máy Thủy điện Đăk Rơ Sa, Đăk Rơ Sa 2 (Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Rơ Sa); Nhà máy Thủy điện Đăk Pô Ne (Công ty Cổ phần Đầu tư điện lực 3) và Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 3, Đăk Psi 4 (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi). Đặc biệt, Nhà máy Thủy điện Đăk Ne còn nợ tiền dịch vụ môi trường rừng nhiều nhất với hơn 7,2 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ gốc từ năm 2011- 2014 gần 5 tỷ đồng và tiền lãi chậm nộp hơn 2,3 tỷ đồng.
Theo các doanh nghiệp trên, lý do chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng là do Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) chỉ thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng từ tháng 6/2011 trở đi, không thực hiện chi trả từ tháng 1- 5/2011 vì thế doanh nghiệp không có tiền để chi trả trong khoảng thời gian này. Đồng nghĩa với đó là khoản lãi phát sinh từ khoản nợ hàng năm tăng lên, vì thế khó có thể thanh toán được.
Theo ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: Quỹ đã rất nhiều lần gửi văn bản và cho người trực tiếp đến các đơn vị yêu cầu thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nhưng các đơn vị này vẫn chưa chịu trả, việc chậm trễ này rõ ràng nhằm chiếm dụng vốn. Quỹ đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị tỉnh kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Trung thanh toán bổ sung tiền dịch vụ môi trường rừng và tiền lãi chậm nộp để các doanh nghiệp có kinh phí nộp cho Quỹ.
Trước đó, tháng 2/2018, Sở Công thương Kon Tum cũng đã có văn bản gửi Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đề nghị thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp để các đơn vị này chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ theo quy định nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
• Cam kết trả hết nợ trong năm 2019
Liên quan đến tình trạng 8 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum nợ tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 với tổng số tiền hơn 11 tỷ động, đến nay đã có Nhà máy Thủy điện Đăk Ne cam kết trả nợ và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi phản hồi những nội dung TTXVN đã phản ánh.
Theo đại diện Nhà máy Thủy điện Đăk Ne, phía nhà máy đã có buổi làm việc với đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum và cam kết trả nợ hơn 7,2 tỷ đồng trong 2 năm 2018 và 2019. Cụ thể, trong năm nay nhà máy sẽ ưu tiên trả trước nợ gốc hơn 4,9 tỷ đồng và năm 2019 sẽ trả tiền lãi dịch vụ môi trường rừng chậm nộp từ năm 2011 đến 7.2018 số tiền hơn 2,3 tỷ đồng còn lại.
Còn riêng về khoản nợ hơn 3,6 tỷ đồng tiền lãi chậm nộp từ năm 2011- 2014 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi, ông Trần Minh Tiến- Phó Tổng Giám đốc cho rằng: Khoản lãi chậm nộp từ năm 2011- 2014 mà phía Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tính nợ cho phía công ty là không có cơ sơ. Thứ nhất, tháng 4/2013, công ty mới đứng ra ký hợp đồng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với phía Quỹ, vì vậy, thời gian trước công ty không phải chịu tiền phí dịch vụ môi trường rừng. Còn khoản nợ sinh ra lãi đó là của phía Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Còn khoản tiền gốc mà phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải trả thì năm 2015 phía Điện lực Việt Nam trả thì chúng tôi đã chuyển trả hết cho Quỹ, chúng tôi chỉ là người đi thu hộ nên không thể tính lãi cho phía đơn vị chúng tôi được.
Cũng liên quan đến việc 7 nhà máy thủy điện gồm: Đăk Pô Ne 2, Đăk Pô Ne 2AB (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gia Nghi); Đăk Rơ Sa, Đăk Rơ Sa 2 (Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Rơ Sa); Đăk Pô Ne (Công ty Cổ phần Đầu tư điện lực 3) và Đăk Psi 3, Đăk Psi 4 (Công ty Cổ phần Đâu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi) nợ tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2011 và lãi chậm nộp từ năm 2011- 2014 trên 3,8 tỷ đồng. Với nội dung này, phía Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho rằng: Từ năm 2014, đơn vị thực hiện mua điện từ các nhà máy thủy điện có công suất từ 30MW trở xuống theo ủy quyền Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chi phí dịch vụ môi trường rừng thanh toán theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực và EVN. Theo đó, EVNCPC đã thanh toán đầy đủ chi phí DVMTR cho tất cả các nhà máy thủy điện từ thời điểm ký hợp đồng mua bán điện theo biểu giá chi phí tránh được.
Riêng các nhà máy thủy điện Đăk Pô Ne 2 và Đăk Rơ Sa đã ký hợp đồng trước tháng 6.2011 theo giá thỏa thuận, không được cấp có thẩm quyền quy định về phí dịch vụ môi trường rừng. Vì thế, EVNCPC chưa có cơ sở thanh toán từ tháng 1/2011 đến tháng 5/2011. Như vậy, trách nhiệm trả nợ không phải EVNCPC mà thuộc về 7 nhà máy thủy điện còn nợ như đã nêu trên.