Điểm đột phá xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên

“Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, với sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội gia tăng cả chất và lượng. Đây là những nền tảng quan trọng để Hưng Yên từng bước hoàn thiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (Chỉ thị số 40).

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Hội tụ trí lực và nguồn lực mới

Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội Phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng từ đó nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện bình đẳng giới tốt hơn. “Chính bởi vậy, sau khi có Chỉ thị số 40, cấp ủy và chính quyền các cấp sát sao, quan tâm chỉ đạo đối với công tác tín dụng chính sách với các định hướng, chương trình kế hoạch cụ thể về cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hội Phụ nữ đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và Hội LHPN cơ sở trong toàn tỉnh hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; cơ sở rà soát, đánh giá, lập danh sách phụ nữ thuộc hộ nghèo; tổ chức đăng ký thoát nghèo tại các Chi hội để tập trung tư vấn các nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu và năng lực các hộ. Tính đến hết ngày 30/6/2019, dư nợ tín dụng của hội đạt hơn 1.396 tỷ đồng, cho 40.609 hội viên vay, tăng 57% so với năm 2014; 100% thành viên vay vốn tham gia tiết kiệm với số tiền là gần 59 tỷ đồng”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hưng Yên Quách Thị Hương chia sẻ tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, để giúp hội viên phụ nữ sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp tổ chức trên trên 2.000 lớp chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo quản nông sản sau thu hoạch... cho trên 145 nghìn hội viên phụ nữ tham gia. 122 mô hình ứng dụng chuyển giao KHKT đã được xây dựng như: mô hình lúa chất lượng cao; mô hình bí xanh, bí đỏ, dưa xuất khẩu; mô hình đậu tương; mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, gà siêu trứng; mô hình trồng khoai tây; mô hình trồng rau an toàn theo hướng sinh học... Cùng với sự sát sao trong việc quản lý sử dụng vốn, từ năm 2014 đến nay đã có 5.283 phụ nữ vay vốn thoát nghèo, có 99,6% hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hưng Yên Quách Thị Hương tham luận tại Hội nghị.

“Trên một địa bàn đang đà phát triển như Mỹ Hào, Đảng bộ, chính quyền thị xã càng trăn trở hơn với bài toán cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng trong huyện. Chính vì vậy từ khi có Chỉ thị số 40, Đảng bộ, chính quyền thị xã đã đặc biệt quan tâm đến biện pháp dẫn vốn tới người nghèo còn gặp khó khăn trong sản xuất”, Bí thư Thị ủy Mỹ Hào Vương Văn Đức cho biết.

Từ năm 2016 UBND thị xã Mỹ Hào cũng đã quyết định hằng năm sẽ dành tối tiểu 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách thị xã để chuyển sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã; hỗ trợ NHCSXH trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và đẩy mạnh nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho vay qua NHCSXH...). Đến 30/6/2019 UBND thị xã chuyển ngân sách thị xã số tiền 2,2 tỷ đồng sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, nguồn vốn ủy thác chuyển sang NHCSXH ở Mỹ Hào không chỉ từ ngân sách cấp thị xã mà còn có sự tham gia của 12/13 xã, phường với số tiền là 675 triệu đồng, từ nay đến cuối năm nguồn vốn này có thể tăng gấp đôi theo kế hoạch.

Nhìn lại 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tính đến 30/6/2019, NHCSXH thị xã Mỹ Hào đã và đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ đạt đạt gần 263 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 50% so với 31/12/2014, trong đó nguồn vốn từ ngân sách địa phương đạt 7,3 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng nguồn vốn.

Chú thích ảnh
Bí Thư Thị ủy Mỹ Hào Vương Văn Đức tham luận tại Hội nghị.

Cùng với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao chất lượng tín dụng, rèn luyện ý thức tiết kiệm, tổ chức SXKD để trả nợ đến hạn của người nghèo; huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giảm nghèo, từ năm 2014 đến 30/6/2019, doanh số cho vay toàn thị xã đạt là 352 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 8.5 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn phát triển kinh tế; tạo việc làm cho 825 lao động; góp phần xây dựng 5.347 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 321 hộ nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở; 507 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện cho con tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Những yếu tố nền tảng này góp phần đưa huyện Mỹ Hào đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và nâng cấp thành thị xã Mỹ Hào cùng đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba.

Khi sức mạnh được hội tụ

Xuyên suốt từ quan điểm đến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Hưng Yên coi việc triển khai tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của địa phương đã tạo nên những bước chuyển mới trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội giờ không chỉ đặt trên vai Chính phủ mà đã có sự chủ động gánh vác của tỉnh, các cấp huyện, đặc biệt là các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã. Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn ủy thác địa phương tăng gần 42 tỷ đồng (tăng 150%), nâng tổng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương, vốn của các tổ chức hội, đoàn thể đến ngày 30/6/2019 đạt 69 tỷ đồng. Chính quyền các cấp, các ngành đã quan tâm hỗ trợ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Hàng năm, Sở LĐTB-XH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với NHCSXH tỉnh và các địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động thuộc các hộ cận nghèo, hộ nghèo, đồng thời giới thiệu và tạo việc làm ổn định cho các đối tượng sau đào tạo nghề.

Chú thích ảnh
Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được tổ chức vào ngày 28/8/2019.

Sau 05 năm triển khai Chỉ thị số 40 sự tham gia của cả hệ thống chính trị - xã hội đối với công tác tín dụng chính sách đã thúc đẩy quy mô các chương trình tín dụng chính sách với chất lượng và hiệu quả hoạt động được đảm bảo. Tổng doanh số cho vay đạt 4.043 tỷ đồng, với 185.066 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, đã góp phần khôi phục được một số làng nghề truyền thống, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng. Tín dụng chính sách cũng giúp cho hơn 41 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết hơn 10 nghìn lao động có việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và 220 lao động được vay vốn đi lao động nước ngoài để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; 834 hộ nghèo và 197 hộ có thu nhập thấp được xây dựng nhà ở kiên cố; gần 36 nghìn HSSV con em gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng được gần 160 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường... từ đó đã góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng dân cư và giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 2,55%.

Năm 2018, toàn tỉnh có 123 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, trong đó 117 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 80,7%); còn 28 xã chưa được công nhận đạt chuẩn. Bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã. Cùng với huyện Văn Giang và thành phố Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2019, mục tiêu về đích nông thôn mới 3 huyện của tỉnh là Yên Mỹ, Kim Động và Phù Cừ hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng đã sát đích với Kim Động và Phù Cừ đã hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, con đường giảm nghèo bền vững của Hưng Yên không dễ dàng. Dù năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,55% tương ứng với 9.953 hộ, tuy nhiên, số hộ nghèo phát sinh tương đối lớn so với tổng số hộ thoát nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao nên nhu cầu về vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và thoát nghèo bền vững ngày càng tăng. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hưng Yên trong thời gian qua đã thu hút lực lượng lao động trẻ (độ tuổi từ 18 - dưới 30), chưa qua đào tạo hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp nhưng sau một thời gian làm việc, khi độ tuổi đã cao, không thích ứng với điều kiện làm việc sẽ tự động nghỉ việc và rơi vào tình trạng không có việc làm. Do đó, cần nguồn vốn rất lớn để hỗ trợ việc làm cho lao động trình độ thấp, lao động ở nông thôn, thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Chính vì vậy, cùng quyết tâm tiếp tục tổ chức hiệu quả sâu rộng Chỉ thị số 40, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng cũng chỉ đạo các cấp chính quyền và cơ quan, ban ngành Hưng Yên phải đề ra nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm góp phần trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, HĐND, UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố bố trí một phần ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo theo hướng năm sau cao hơn năm trước.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh đẩy mạnh phối hợp với NHCSXH và các địa phương bố trí, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện công tác giảm nghèo và tạo việc làm.

Đánh giá Hưng Yên là tỉnh có chất lượng tín dụng tốt nhất trên toàn quốc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng đã ghi nhận những ý kiến đóng của các đại biểu và lãnh đạo tỉnh về việc nâng cao công tác phối hợp với các đơn vị trong tỉnh để gia tăng hiệu quả tín dụng chính sách trong sống. “NHCSXH sẽ xem xét cân đối nguồn vốn hàng năm cho tỉnh phù hợp để đảm bảo không có người nghèo, đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được”, Tổng Giám đốc NHCSXH nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được biểu dương, khen thưởng.

 

Chú thích ảnh
Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được biểu dương, khen thưởng.
Chú thích ảnh
Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được biểu dương, khen thưởng.
Việt Hải
Ngân hàng Chính sách Xã hội tập huấn chuyên đề tín dụng năm 2019
Ngân hàng Chính sách Xã hội tập huấn chuyên đề tín dụng năm 2019

Từ ngày 22/5 - 12/6/2019, NHCSXH đã tổ chức 8 Hội nghị tập huấn chuyên đề tín dụng năm 2019 cho các đơn vị trong hệ thống. Tới dự và chỉ đạo các Hội nghị tập huấn có Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN