Khách hàng đều hài lòng
Samsung đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2008, trong 10 năm qua, Công ty này đã đóng góp 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Đánh giá về chất lượng cung ứng điện của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho hay, Samsung Việt Nam đạt được thành công có sự đóng góp, hợp tác nhiệt huyết của EVNNPC. Trong ngành công nghiệp mới, hiện đại, các yếu tố cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện lực đóng vai trò rất quan trọng. Việc cung cấp nguồn điện ổn định có ý nghĩa lớn với hoạt động sản xuất, vì chỉ 1 ngày mất điện cũng có thể ảnh hưởng doanh thu của Samsung lên tới 200 nghìn USD/ngày. “Chúng tôi mong muốn EVNNPC tiếp tục phát triển và hợp tác tốt đẹp với các doanh nghiệp; trong đó có Samsung”, ông Shim Won Hwan nói.
Một đại diện doanh nghiệp khác là Công ty Than Hà Lầm cũng có sự ghi nhận cao và hài lòng về chất lượng cung ứng điện của EVNNPC cho công ty này trong nhiều năm qua. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty Than Hà Lầm, Công ty phải khai thác than ở mực âm 250 - 300m, do vậy, việc cung ứng điện là rất quan trọng, bởi nếu mất điện hay nguồn điện không đảm bảo thì sẽ gây mất an toàn cho người lao động, bơm thoát nước, thông gió và hiệu quả khai thác than...
“Thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Ninh (thuộc EVNNPC) đã luôn đảm bảo cấp điện liên tục, tư vấn cung cấp, sử dụng điện an toàn hệ thống điện. Hiện công ty chi trên 80 tỷ đồng tiền sử dụng điện. Công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của ngành điện”, ông Sơn nói.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên, các doanh nghiệp, trong đó có Samsung Việt Nam, than Hà Lầm… bày tỏ sự hài lòng với các dịch vụ điện mà EVNNPC - đơn vị trực tiếp quản lý các hoạt động điện tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc mang lại.
Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đều chung nhận định rằng, ngành điện, trong đó có EVNNPC đã đóng vai trò rất lớn trong đảm bảo sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp của họ.
Theo ông Lê Quang Thái, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, để đáp ứng nhu cầu điện của khách hàng, Tổng công ty đã dành mức đầu tư xây dựng năm 2018 là 16.201 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2017.
Ngoài ra, ông Thái cũng cho biết, Tổng công ty tiếp tục triển khai hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ điện trực tuyến trên web chăm sóc khách hàng của Tổng công ty; đưa dịch vụ điện ra các trung tâm hành chính công của tỉnh; nâng cấp cổng thanh toán điện tử… với mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất để khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ điện mọi lúc mọi nơi.
Không chỉ các doanh nghiệp, các khách hàng lớn khách hàng công nghiệp được quan tâm, đầu tư, mà với EVNNPC, việc đưa điện tới các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa cũng được nỗ lực triển khai.
EVNNPC đã đưa lưới điện quốc gia đến 100% số xã nông thôn và hơn 98,5% số hộ dân nông thôn tại 27 tỉnh miền Bắc.
Theo ông Lê Quang Thái, Phó tổng giám đốc EVNNPC, các đơn vị điện lực đều thực hiện nghiêm phương châm “Điện lực đến với khách hàng”, chủ động cung cấp các dịch vụ trọn gói, phục vụ khách hàng tận nơi theo yêu cầu, hỗ trợ khách hàng tối đa.
Ứng dụng công nghệ để nâng chất lượng
Liên tục trong các tuần qua, tại Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hoá… các công ty điện lực trực thuộc EVNNPC đã thực hiện sửa chữa điện hotline trên đường dây đang mang điện áp 22kV.
Theo báo cáo của EVNNPC, kết quả trong năm 2018, điện thương phẩm đạt khoảng 64,3 tỷ kWh, tăng 12,14% so với năm 2017. Tất cả 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng đều đạt theo quy định.
EVNNPC đã tiếp nhận, giải quyết cấp điện cho 2.107 khách hàng trung áp với thời gian trung bình giải quyết các thủ tục của ngành điện là 5,75/7 ngày; giảm 1,25 ngày so với quy định.
Với sản lượng điện lớn, cùng nhiều trung tâm công nghiệp, EVNNPC xác định, nếu chỉ sửa chữa theo phương pháp truyền thống “cắt điện trước, sửa chữa sau” sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Vì vậy, theo đại diện lãnh đạo EVNNPC, Tổng công ty đã đưa 12 trung tâm điều khiển xa và 95 trạm biến áp không người trực vào hoạt động nhằm phục vụ sửa chữa điện hotline trên đường dây 22 kV.
Trong năm 2019, sẽ có thêm 10 công ty điện lực và Trường cao đẳng Điện lực Miền Bắc được trang bị xe gầu cách điện. Để nâng cao trình độ của công nhân, 3 thao trường thực tập hotine tại Nghệ An, Bắc Ninh và Trường cao đẳng Điện lực miền Bắc đã được hoàn tất với hệ thống lưới phù hợp thực tế và bước đầu có 5 giảng viên được đào tạo tại Indonesia để phục vụ công tác giảng dạy, huấn luyện.
“Tất cả những đầu tư này đều vì mục đích không ngừng cải tiến nâng cao công tác vận hành lưới điện, đặc biệt để giảm số lần mất điện, thời gian mất điện trên lưới điện trong quá trình cung ứng điện cho khách hàng”, lãnh đạo EVNNPC khẳng định.
Cũng mới đây, EVNNPC đã triển khai dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 và hỗ trợ khách hàng thanh toán tiền điện, phí dịch vụ mọi lúc, mọi nơi.
ác kết quả cải thiện dịch vụ khách hàng đã được khách hàng ghi nhận qua điểm hài lòng tăng dần hàng năm cũng như kết quả đánh giá môi trường kinh doanh Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới. Chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2018 của Việt Nam tăng 37 bậc so với xếp hạng năm 2017 và đứng ở vị trí 27/190 quốc gia/nền kinh tế.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp (kể từ năm 2013) chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam được cải thiện về vị trí và đã đã đưa chỉ số này của Việt Nam ngang bằng các nước ASEAN4 cũng như đứng TOP 4 trong các nước tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...