Ngành điện TP.HCM giảm tối đa chi phí
Theo đại diện của EVNHCMC, dự báo trước được những khó khăn, ngay từ đầu năm, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã chủ động triển khai kịch bản điều hành năm 2022 và triển khai các giải pháp chủ yếu để tăng doanh thu, giảm chi phí, đảm bảo cân bằng tài chính, phấn đấu kinh doanh không lỗ và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường đã gây tác động lớn đến kế hoạch kinh doanh của đơn vị, dẫn đến không thể đạt kế hoạch lợi nhuận như EVN đã giao. Nguyên nhân khách quan là do chi phí mua điện thị trường tăng cao hơn so với kế hoạch EVN giao do giá mua than, dầu, khí để sản xuất điện tăng cao từ cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát trên thế giới kéo dài. Cùng với đó là sự chênh lệch rất lớn về tỷ giá cũng đã ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của EVNHCMC.
Trước khó khăn chung của ngành điện, EVNHCMC đã triển khai triệt để và đồng bộ tất cả các giải pháp tiết giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để bù đắp những khoản lỗ do chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao trong năm 2022. Theo đó, toàn EVNHCMC tiết giảm tối đa các chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cấp thiết trong năm 2022. Tăng cường số hóa dịch vụ điện năng, đẩy mạnh giao dịch trực tuyến để tiết kiệm chi phí. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi phí định mức trong tất cả các mặt hoạt động ít nhất 20%. Tiết giảm 50% chi phí sửa chữa lớn, chỉ thực hiện những công trình/hạng mục thật sự cấp thiết nhằm đảm bảo công tác cung cấp điện an toàn liên tục phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Giãn tiến độ đầu tư các công trình/dự án chưa thật sự cấp thiết, giảm đầu tư thuần, giảm vay để tiết kiệm chi phí lãi vay. Tạm dừng các hội nghị, hội thảo, các chương trình đào tạo chưa cấp thiết. Tăng cường công tác tự thực hiện, hạn chế thuê ngoài, chỉ thuê ngoài những nội dung công việc không thể tự thực hiện. Đẩy mạnh công tác thanh xử lý tài sản, vật tư thiết bị kém, mất phẩm chất kịp thời để giảm tồn kho, thu hồi vốn, tăng nguồn thu giảm chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện. Đẩy mạnh công tác sản xuất khác, tăng nguồn thu từ sản xuất khác. Tổ chức tuyên truyền phổ biến đến tất cả công nhân viên chức, người lao động để thực hiện nghiêm công tác tiết kiệm chống lãng phí trong toàn EVNHCMC.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, lãnh đạo EVNHCMC khẳng định tiếp tục đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt người dân TP.HCM. Trong dịp lễ, tết sắp tới, đơn vị đã có phương án đảm bảo cung cấp điện trên toàn địa bàn Thành phố, đặc biệt là các địa điểm diễn ra các sự kiện, hoạt động lễ, hội chào mừng tết Dương lịch năm 2023, tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khách hàng quan trọng và các khách hàng sản xuất, khách hàng chế biến sản phẩm phục vụ Tết.
Giá điện thế giới đã tăng cao để giải quyết bài toán tài chính
Hiện nay, khủng hoảng năng lượng, lạm phát kéo dài và xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến giá điện ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tăng cao. Theo dữ liệu của Ember (tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng của Anh), giá điện bán buôn trung bình tháng 10 tại nhiều nước châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá điện tại nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, bị chi phối bởi giá điện sản xuất từ khí đốt (khoảng một nửa nguồn khí đốt tự nhiên được nhập từ Nga). Chính sự phụ thuộc này khiến giá điện tại châu Âu tăng vọt khi xung đột Nga - Ukraine ngày càng phức tạp và các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Nga làm nguồn cung khí đốt bị gián đoạn. Tại châu Á, giá điện ở Tokyo (Nhật Bản) tháng 10 cũng tăng gần 27%. Theo Korea Power Exchange, giá biên hệ thống (SMP), Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) trả cho các nhà máy điện đã tăng lên mức cao kỷ lục hàng ngày là 228,96 won một kWh (4.287 đồng) cho nội địa, cao hơn hồi tháng 4 khoảng 26,85 won một kWh. Tương tự, ở Thái Lan, giá điện sinh hoạt đã tăng lên 4,72 baht một kWh (khoảng 3.273 đồng) từ tháng 9, khi Ủy ban điều tiết năng lượng (ERC) tăng biểu giá nhiên liệu.
Còn tại Mỹ, theo trang tin trực tuyến Vaultelectricity, nhiều bang có mức giá tăng cao, trong đó có bang tăng hơn 27,47 Cent/kWh (tương đương 6.810 đồng/kWh). Người tiêu dùng Mỹ đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng là do giá khí đốt tự nhiên biến động, thời tiết khắc nghiệt.
Tại Việt Nam, giá điện hiện nay đang duy trì ở mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT). Giá điện đã được giữ ổn định kể từ tháng 3-2019 đến nay. Cũng giống như các nước, chi phí sản điện của Việt Nam cũng không nằm ngoài những tác động của tình hình thế giới khi giá nhiên liệu tăng cao. Thông tin từ EVN, giá thành sản xuất kinh doanh điện của nửa đầu năm 2022 liên tục tăng do áp lực tăng chi phí nguyên liệu đầu vào. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, ngành Điện sẽ cố gắng, nỗ lực để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đã được Đảng và Chính phủ giao trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.