Kinh tế khó khăn, BĐS không ghi nhận doanh thu lớn
Nửa đầu năm 2020 đánh dấu một trong những đợt khủng hoảng kinh tế lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Báo cáo của Epiq (công ty chuyên thực hiện các thủ tục giải thể doanh nghiệp tại Mỹ) cho thấy 6 tháng đầu năm 2020 có hơn 3.600 doanh nghiệp tại Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản.
Tại Việt Nam, tình hình tuy có khả quan hơn do kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhưng COVID-19 cũng để lại những tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế chung. GDP cả nước trong quý 2/2020 chỉ đạt 0,36%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Ghi nhận thực tế tại TP.HCM cho thấy, kể từ cuối tháng 4, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, tác động của “hậu” COVID-19 lên lĩnh vực liên quan đến BĐS trở nên rõ rệt hơn: Hàng loạt cơ sở kinh doanh trả mặt bằng, tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản; nhiều công ty phải vật lộn với tình trạng bù lỗ 6 tháng, thất thu hàng nghìn tỷ đồng và 75-80% nhân viên bị mất việc. Ở các sàn kinh doanh BĐS thì bắt đầu có tín hiệu cắt giảm nhân sự, dần chuyển qua hoạt động online và đa phần hoạt động cầm chừng.
Ghi nhận từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy có nhiều thách thức lớn từ đại dịch COVID-19 cản trở thị trường BĐS phát triển như làm gián đoạn, đảo lộn các hoạt động của doanh nghiệp BĐS, nhất là công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm và bán hàng. Dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mọi hoạt động bán hàng và mua hàng bị ngừng trệ khi phải thực hiện các biện pháp của Chính phủ về hạn chế di chuyển, cách ly toàn xã hội, do tâm lý phòng thủ của người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
VNREA cho rằng thị trường BĐS bị tác động kép do phải đương đầu với nhiều khó khăn trong hai năm qua và đợt đại dịch vừa rồi nên các doanh nghiệp BĐS cần nỗ lực để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Áp lực kinh doanh, đẩy mạnh M&A
Khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh đã và đang gây áp lực vào kế hoạch kinh doanh 2020 của nhiều doanh nghiệp khi các khoản hạch toán chủ yếu được thực hiện vào cuối năm nay. Thêm vào đó, tình trạng hàng tồn kho tăng mạnh trong khi doanh nghiệp vẫn phải chịu sức ép từ lãi suất, chi phí quản lý vận hành, lương… càng làm bài toán trở nên khó giải.
Qua quan sát cho thấy, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ pháp lý và bán hàng trong những tháng cuối năm, đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp BĐS dòm ngó, “thu mua” dự án bằng phương án M&A và hoạt động này đang góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững hơn.
Tháng 3 năm nay, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn đã chuyển nhượng thành công 20% phần vốn góp tại dự án Khu nhà ở phía Nam đường Xuyên Á từ Công ty cổ phần Địa ốc 9. Ngoài ra doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch mua lại các quỹ đất ở thị trường tỉnh trong thời gian tới và đang gấp rút hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng dự án Gem Premium (Thủ Đức, TP.HCM) cho Tập đoàn Đất Xanh.
Gần đây, Công ty CP Đầu tư LDG Group đã công bố chính thức nhận chuyển nhượng 99,99% cổ phần của Công ty CP Bất động sản Hiệp Phúc, trở thành chủ đầu tư Tổ hợp căn hộ Sông Đà Riverside (quận Thủ Đức, TP.HCM). Với thị trường BĐS tỉnh, Hưng Thịnh thông qua thương vụ M&A thâu tóm một khu đất có diện tích hơn 1.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng.
Một đại gia địa ốc khác là Tập đoàn Danh Khôi cũng vừa thực hiện thành công thương vụ M&A dự án tại Đà Nẵng từ một nhà đầu tư Nhật Bản.
Một “ông lớn” trong ngành là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đợt đại hội cổ đông vừa qua cũng cho biết đã được chào mời hơn 200 dự án, mở ra hàng loạt cơ hội mua dự án chưa từng có và cũng là thời cơ tốt để doanh nghiệp này gia tăng quỹ đất đang nắm giữ.
Cách đây vài ngày, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã công bố DXG và công ty con sẽ thoái vốn tại LDG nhằm loại bỏ rủi ro xung đột lợi ích bởi chiến lược và phạm vi hoạt động của LDG và DXG cơ bản giống nhau. Nhiều chuyên gia đánh giá, động thái này của DXG nhằm thu một lượng lớn tiền về để phục vụ cho việc phát triển dự án và tiếp tục thâu tóm quỹ đất trong thời gian tới.
Theo công bố, DXG sẽ có 3-4 dự án trong năm nay, cung cấp từ 6.000 - 10.000 đơn vị sản phẩm ra thị trường đến từ St. Moritz, Gem Sky World và 1-2 dự án tại Bình Dương. Việc triển khai nhanh dự án vào những quý cuối năm nay có thể ghi nhận khoản doanh thu lớn trên báo cáo tài chính của “đại gia” này.